Thời gian tới, BCĐ 389 quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ tăng cường việc quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác.
Nỗi lo về vật tư nông nghiệp kém chất lượng
Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò rất quan trọng quyết định tới năng suất, chất lượng của cây trồng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, với diện tích 12 triệu héc ta gieo trồng hàng năm, cả nước sử dụng 10 - 11 triệu tấn phân bón/năm, trong đó sản xuất trong nước là 8 - 9 triệu tấn và nhập khẩu 2 - 3 triệu tấn.
Tuy nhiên, hiện trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, thuốc BVTV nên nông dân thường mua theo hướng dẫn, khuyến cáo của các chủ đại lý bán hàng. Điều này dẫn đến tình trạng có cơ sở lấy hàng trôi nổi về bán với giá rẻ hơn nhưng khi bón cho cây thì cây chậm lớn, thậm chí không có tác dụng.
Không chỉ phân bón, thuốc BVTV cũng đang là mối lo của nhiều nông dân. Thống kê của UBND huyện Hoài Đức cho thấy, trên địa bàn huyện có 36 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tiến hành thanh kiểm tra 173 lượt cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, qua đó phát hiện 36 cơ sở vi phạm, chủ yếu là kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng, chưa xuất trình được giấy tờ liên quan… Tương tự, tại huyện Quốc Oai, cuối tháng 9/2016, Đoàn giám sát của HĐND Thành phố đã đi kiểm tra thực tế một cơ sở buôn bán thuốc BVTV đóng trên địa bàn thị trấn Quốc Oai. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng không xuất trình được hóa đơn mua hàng đối với một số loại thuốc BVTV nên không biết rõ nhà cung cấp sản phẩm.
Theo TS Bùi Huy Hiền – nguyên Viện trưởng Viện Nông dưỡng thổ hóa, hiện nay, việc khuyến cáo sử dụng phân bón gần như “khoán trắng” cho doanh nghiệp nên không tránh khỏi tình trạng “con hát mẹ khen hay”. Cả nước có trên 800 đơn vị sản xuất và gần 30.000 đơn vị Kinh doanh phân bón, chủ yếu là quy mô nhỏ. Nhiều cơ sở không đáp ứng được điều kiện cần thiết nhưng vẫn tham gia sản xuất, Kinh doanh gây khó khăn cho công tác quản lý. “Tình trạng sản xuất và Kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhãn mác nhập nhèm đánh lừa nông dân vẫn còn phổ biến” – TS Nguyễn Huy Hiền cho hay.
Siết quy định về phân bón, thuốc BVTV
Một trong những vấn đề bất cập hiện nay là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) không đồng nhất giữa các địa phương. Chẳng hạn với phân bón, có địa phương giao cho Phòng Trồng trọt thuộc Sở NN&PTNT, có nơi giao cho Chi cục BVTV hoặc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Hơn nữa, ở cấp cơ sở như quận, huyện tới xã, phường chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý VTNN mà chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả quản lý chưa cao. Đây là những vần đề cần được tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý VTNN trong thời gian tới.
Cùng với việc siết chặt quản lý chất lượng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN, theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh việc hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV cho người nông dân để đảm bảo hiệu quả. TS Bùi Huy Hiền cho biết, trên thị trường hiện nay có trên 2.000 loại phân bón qua lá khác nhau. Quan trọng nhất khi sử dụng là phải chọn đúng loại phân và tỷ lệ hòa tan trong nước. Hay đối với thuốc BVTV, chiếm tới 48% là thuốc trừ cỏ, nếu không được hướng dẫn cẩn thận, việc sử dụng thuốc sẽ gây tác dụng ngược đối với cây trồng.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành gồm: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... tích cực thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tuy nhiên tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-TTg, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần chủ động phối hợp các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép các loại vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyên đề về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Năm 2017, Thanh tra Sở NN&PTNT đã tiến hành thanh, kiểm tra 503 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến trên các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Qua thanh tra đã phát hiện 126 tổ chức, cá nhân vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 1,251 tỷ đồng. Đồng thời tịch thu, tiêu hủy và khắc phục nhãn hàng hóa vi phạm với tổng giá trị hàng hóa hơn 73,6 triệu đồng.
Trong đó, hoạt động thanh, kiểm tra thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, Thanh tra Sở đã phát hiện và xử phạt 8 tổ chức với số tiền 153 triệu đồng với các hành vi vi phạm kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh không có giấy đủ điều kiện; vi phạm nhãn hàng hóa; sản xuất thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; buộc khắc phục nhãn trị giá trên 100 triệu đồng…
Nguồn: Vietq.vn