Thống kê của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), mỗi năm nước ta tiêu thụ tới 11 triệu tấn phân bón các loại. Thế nhưng, do quản lý lỏng lẻo nên thị trường phân bón có nhiều diễn biến bất thường. Năm 2016, "cơn bão phân bón giả" khiến người nông dân lao đao; còn các cơ quan chức năng thì vẫn loay hoay tìm biện pháp khắc phục hậu quả. Năm 2017, thị trường phân bón lại đối mặt với vấn nạn phân bón kém chất lượng.
Nỗi lo phân bón kém chất lượng
Trong năm 2016, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát hiện tới gần 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chí chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Theo tính toán của các chuyên gia, phân bón giả và phân bón kém chất lượng gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước mỗi năm từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ tính thiệt hại về tiền, còn hệ lụy mà người nông dân phải gánh chịu thì không thể thống kê cụ thể. Theo ông Hồ Quang Thái, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thì tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tồn tại nhiều năm qua và xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước; không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người nông dân, thiệt hại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái… Ông Vũ Xuân Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, chia sẻ: "Các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người nông dân đang rất bức xúc với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, khắc phục triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả".
Hoàn thiện các quy định của pháp luật
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng là doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật về tổng chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng. Ông Hồ Quang Thái chỉ rõ: "Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-2-2014, nhưng đến thời điểm này, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản chính thức xác định cụ thể những chất chính trong phân bón. Vì thế, mỗi cơ quan có cách hiểu và giải thích khác nhau, gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra, làm hạn chế hiệu quả thi hành công vụ của các lực lượng chức năng".
Về xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhận định: "Hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả nếu chỉ phạt hành chính sẽ làm “hỏng” ngành phân bón nước ta. Vì thế, rất cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật và quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức". Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ chống hàng giả Việt Nam, cho biết: "Hiện nay, chúng ta chưa phân định thật rõ ràng giữa việc xử lý hành chính hay hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả. Qua nhiều lần cùng lực lượng chức năng kiểm tra thực tế, tôi nhận thấy, đạo đức của nhiều cán bộ thực thi công vụ ở địa phương cần phải được xem xét, chấn chỉnh. Ví dụ, đi kiểm tra với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, chúng tôi gặp điều lạ lùng, khi xuống địa phương thì các chủ doanh nghiệp có trong danh sách bị kiểm tra đều vắng mặt. Vậy ai là người báo trước cho doanh nghiệp?".
Để lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ quy chuẩn về phân bón Việt Nam. Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực phân bón. Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm.
Nguồn: qdnd.vn