Dự thảo Luật thuế cũng sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất kinh doanh.
Thảo luận tại tổ chiều 29/10 về Dự thảo sửa đổi các luật thuế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: sửa đổi luật thuế ngoài việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, điều quan trọng hơn là nhằm tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Theo ý kiến các đại biểu, một trong những sửa đổi quan trọng của Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) là việc bổ sung một số quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đáng chú ý là bổ sung quy định miễn thuế nhập khẩu đối với giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được... Tán thành với những sửa đổi quan trọng này, tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô vì cho rằng, cần phải hạn chế nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu tiêu dùng.
Chính sách thuế cần ưu tiên với loại ô tô từ 7 đến 9 chỗ trở lên để phục vụ nhu cầu vận chuyển cũng như phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay. Một số đại biểu đề nghị bổ sung danh mục miễn thuế nhập khẩu cho các lô hàng mẫu phục vụ sản xuất thử nghiệm; miễn thuế xuất khẩu cho các máy móc, thiết bị, dây chuyền còn trong thời hạn bảo hành, xuất khẩu nhằm mục đích bảo hành, bảo dưỡng.
Đối với các quy định về làm thủ tục hải quan, nộp thuế xuất nhập khẩu, đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình, đề nghị cần có phân loại linh hoạt hơn về thời hạn nộp thuế để tránh thiệt thòi cho các doanh nghiệp thực hiện tốt luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu.
“Đối với những doanh nghiệp làm ăn có uy tín, liên tục trong 5 năm đều hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, giải quyết nhiều lao động cũng như có trách nhiệm đối với xã hội, phần này phải nghiên cứu có thể tạo điều kiện để người ta nhận hàng trước, nộp thuế sau. Còn doanh nghiệp chưa có uy tín áp dụng đối với doanh nghiệp này khác. Doanh nghiệp thương mại có thể mua hàng về bán ngay đi thì chính sách thuế thu nhanh hơn, khác với doanh nghiệp sản xuất thậm chí có cái 3 tháng đến 5 tháng sau khi nhập khẩu mới quay vòng xuất hàng đi được” – ông Vẻ nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu không chỉ có mục đích đảm bảo thu ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là phải thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, thu hút các nhà đầu tư, đồng thời phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liên quan đến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, các đại biểu Nguyễn Văn Phúc, đoàn Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Thanh, đoàn Vĩnh Long không đồng tình với quy định về xóa nợ doanh nghiệp nhà nước để góp phần thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, quy định này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, đoàn Hà Tĩnh phân tích: “Bây giờ nợ thì anh được xóa còn doanh nghiệp khác nợ thì sao? Trong điều kiện khó khăn như thế này thì doanh nghiệp khác nợ thì có xóa cho người ta không? Tôi đề nghị đã là xóa nợ là phải bình đẳng, đã là thuế là phải bình đẳng, không phân biệt thành phần. Chỉ có phần doanh nghiệp nhà nước theo Luật ngân sách hiện nay, thì ngoài việc trích lập các quỹ ra thì phần lợi nhuận còn lại nhà nước thu một phần, thuộc về nhà nước thì chỗ ấy mình có thể điều chỉnh”
Cũng với quan điểm trên, đại biểu Ngô Văn Minh, đoàn Quảng Nam cho rằng, đây là một quy định bất hợp lý. Quy định này cũng sẽ tạo ra tiền lệ dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh không nộp thuế của các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, sắp xếp lại./.