Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu ngân sách nhà nước. Hiện, Luật thuế GTGT đang tồn tại nhiều điểm không phù hợp với thực tế và đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa đổi để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua, nhằm tháo gỡ các bất cập, chồng chéo để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Điển hình, nhiều năm nay, giá phân bón trong nước luôn cao hơn giá phân bón nhập khẩu. Nguyên nhân là do phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Do đó, một số doanh nghiệp đã phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng. Ước tính, mức tăng dao động từ 5-7% tùy vào từng sản phẩm, dẫn đến mất tính cạnh tranh. Vì vậy, Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị bổ sung phân bón vào nhóm chịu thuế GTGT 5% để hoàn thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã nộp trước đó.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: "Phân bón là vật tư đầu vào rất quan trọng của sản xuất nông nghiệp, của các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí chiếm từ 45-50%. Giảm được điều đó là điều có lợi cho sản xuất nông nghiệp".
Theo tính toán của Hiệp hội phân bón, hiện nay cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Tính trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp không được nhận tiền hoàn thuế GTGT đầu vào là khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng do phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế. Vì vậy, đề xuất đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT là rất cần thiết, giúp các sản phẩm phân bón nội tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi vẫn còn những điểm khiến doanh nghiệp lo lắng, nhất là doanh nghiệp chế xuất, đó là quy định bỏ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.
Theo ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp, nếu bỏ thì khoản thuế phải nộp sẽ bị tính vào chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành hàng xuất khẩu tăng cao sẽ làm giảm sức thu hút đầu tư vào Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà những doanh nghiệp chế xuất FDI lớn như Samsung, LG, Intel… lo ngại.
Trước những nguy cơ hiện hữu mà doanh nghiệp chế xuất phải đối mặt, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết: "Dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan là hoạt động phụ vụ sản xuất sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất, do đó việc áp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ này chắc chắn sẽ cản trở hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và đầu tư của doanh nghiệp chế xuất, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ này cho doanh nghiệp chế xuất cũng bị ảnh hưởng".
"Chúng tôi cho rằng cần phải giữ nguyên theo quy định hiện hành là áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ được tiêu dùng trong khu phi thuế quan", ông Hong Sun cho ý kiến.
Theo một số doanh nghiệp, những bất cập trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế GTGT có thể gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp chế xuất, gây khó cho việc giữ chân nhà đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt toàn cầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng các vướng mắc hiện nay cần xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Thuế GTGT để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội thông qua, nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất 5%.
Theo Bộ Tài chính, mục tiêu sửa Luật lần này là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dự thảo Luật sẽ giảm bớt số nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, tăng nhóm chịu thuế suất 10%, giảm nhóm chịu thuế suất 5%.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho biết: "Chuyển một số đối tượng chuyển từ chịu thuế 5% sang 10% thì có hiệu ứng giảm được tăng giá thành, giảm tính phức tạp cho doanh nghiệp khi vừa cung cấp dịch vụ chịu thuế vừa cung cấp dịch vụ không chịu thuế trong việc kê khai phân bổ thuế GTGT đầu vào. Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm mặt hàng thuộc diện không chịu thuế và 12 nhóm chịu thuế 5%".
Cộng đồng doanh nghiệp đang hy vọng lần sửa đổi Luật Thuế GTGT này sẽ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn để tạo động lực cho sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.