Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương cho biết, ngày 01/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc, giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, rà soát, cập nhật bổ sung Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh trong đó nêu rõ phương án ứng phó sự cố hóa chất độc, trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Trong quá trình thực hiện Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc đã nảy sinh một số khó khăn bất cập trong việc thẩm định và phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh vì Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh là một bộ phận của Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh bao gồm những nội dung về cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh, liên quan đến nhiều sở, ngành quản lý chuyên môn địa phương trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất như Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Sở Y tế,...
Kế hoạch nêu trên là một kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó có phân công chức năng, tổ chức bộ máy và tiến độ thực hiện tùy theo nguồn nhân lực, vật lực của từng đơn vị thuộc địa phương, xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị và đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó của các lực lượng chức năng hàng năm. Theo khoản 2 Điều 6 của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc giao cho Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh cho từng địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác thẩm định để đánh giá tình hình thực tế của từng địa bàn, từng đơn vị của các địa phương khác nhau trên toàn quốc.
Theo quy định tại Điều 4 của Luật Hóa chất, hóa chất độc là một trường hợp riêng của hóa chất nguy hiểm vì vậy Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh bao gồm cả phương án ứng phó sự cố hóa chất độc do UBND tỉnh phê duyệt là hợp lý, do đó, việc giao Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định và phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh bao gồm cả phương án ứng phó sự cố hóa chất độc sẽ phù hợp với thực tế.
Chính vì vậy, việc chỉnh sửa khoản 2 Điều 6 của Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc ban hành kèm theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó giao Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đã bao gồm cả phương án ứng phó sự cố hóa chất độc để phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Nguồn: Baochinhphu.vn