Những vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất xảy ra gần đây đã và đang gây ra những tâm lý lo lắng cho người dân. Thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý hóa chất còn nhiều bất cập do cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn chồng chéo.
Trong khi đó, bộ máy nhân sự quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng. Việc chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp hoạt động hóa chất chưa tốt do thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Thực tế hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng liên quan đến hóa chất thường nằm đan xen trong các khu dân cư. Không chỉ thế, chủ cơ sở hoặc chính bản thân người lao động trực tiếp làm việc, tiếp xúc với hóa chất còn thiếu ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng biện pháp nhằm đảm bảo an toàn hóa chất một cách tuyệt đối.
Trong khi chỉ một chút lơ là trong quản lý kho bãi, bảo quản, cách nhiệt… là có thể xảy ra sự cố hoặc cháy nổ hóa chất gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường xung quanh. Sở dĩ có những sự cố cháy nổ do hóa chất gây ra phần lớn là do các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất chưa thật sự quan tâm nhiều đến lĩnh vực này.
Nhiều doanh nghiệp cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp… Nghiêm trọng hơn là vẫn để xảy ra tình trạng hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Chia sẻ về nội dung này, đại diện Nhà máy hóa chất Tân Bình 2 (thuộc Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam) cho biết đối với vấn đề quản lý sản xuất acid sunfuric, công ty luôn lắp đặt thiết bị phụ trợ, nghiệm thu thử kín, thử bền, kiểm định. Khu vực bồn chứa hóa chất được thiết kế đê bao xung quanh. Trong quá trình vận hành công ty luôn đào tạo, kiểm tra kiến thức chuyên môn cho nhân viên; định kỳ kiểm định kiểm tra an toàn các thiết bị; lắp đặt camera giám sát các vị trí quan trọng; hệ thống cấp nước chữa cháy duy trì tự động.
Đặc biệt, công ty thường xuyên diễn tập biện pháp ứng phó với các sự cố hóa chất xảy ra. Tương tự, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí cũng cho biết, đối với các hóa chất nguy hiểm mà công ty sử dụng để sản xuất thì công ty luôn có một chế độ giám sát đặc biệt. Theo đó, mọi vật tư, hóa chất nguy hiểm cần đưa vào nhà sử dụng phải được đánh giá các khả năng nguy hiểm trước khi triển khai hay giao dịch.
Thủ kho và những người bảo quản sử dụng các hóa chất, vật liệu nguy hiểm phải được đào tạo có trình độ, am hiểu tính chất tác hại, biện pháp phòng tránh, các biện pháp cấp cứu ngộ độc các loại hóa chất nguy hiểm. Đồng thời, việc bảo quản, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng các chất phóng xạ, các vật liệu nổ phải tuân theo Luật Năng lượng nguyên tử.
Chủ động ứng phó
Hóa chất là ngành có nguy cơ gây cháy nổ cao, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người. Theo ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, để khắc phục những sự cố xảy ra do hoạt động sản xuất, kinh doanh và vận chuyển hóa chất, cần đẩy mạnh công tác quản lý của các cơ quan ban ngành.
Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất. Thực hiện nghiêm chế độ xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động hóa chất và môi trường. Đối với các cá nhân, doanh nghiệp có sử dụng, kinh doanh hóa chất, phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất; thường xuyên bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn hóa chất; có cán bộ chuyên trách về an toàn hóa chất, có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Thanh Bái, Tổng Thư ký Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam, cho rằng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, cần nâng cao năng lực công tác quản lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị có hoạt động hóa chất về việc thực hiện các quy định an toàn, phòng chống cháy nổ, phát tán chất độc hại; kiểm tra các loại hàng hóa là hóa chất nguy hiểm lưu thông trên thị trường về nhãn mác, xuất xứ, điều kiện kinh doanh.
Đồng thời, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất phải xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất, đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất quy mô lớn cần lập phương án ứng phó sự cố và định kỳ thực hành diễn tập .
Theo Sở Công thương TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trong đó, hóa chất công nghiệp có khoảng 400 cơ sở, phân bố chủ yếu ở các quận 5, 10, 11, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp. Chợ Kim Biên (quận 5) từ trước đến nay luôn được xem là “điểm nóng” về buôn bán hóa chất. Thành phố cũng đã có quy hoạch để di dời các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất về khu quận 8, tuy nhiên đến nay kế hoạch vẫn chưa được hoàn thành.
Nguồn: Saigondautu.com.vn