Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của các đối tượng gây hại, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Ðể khai thác tốt những mặt tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi, cần sử dụng thuốc BVTV đúng cách.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam là một nước sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, tạo điều kiện cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng thuận lợi cho sâu, bệnh phát sinh gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng là biện pháp quan trọng, nhưng để khai thác tốt những mặt tích cực của thuốc BVTV thì cần nâng cao công tác quản lý. Trong những năm qua, các quy định về quản lý thuốc BVTV luôn được rà soát, bổ sung, sửa đổi, nhằm đạt hiệu quả ở các khâu từ đăng ký, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đến tiêu hủy thuốc. Công tác kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV được phân cấp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, nhằm hướng dẫn và giám sát người nông dân sử dụng theo nguyên tắc bốn đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc). Ngoài ra, hằng năm, các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin và tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho người dân theo đúng nội dung nhãn mác. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, tập huấn bổ sung kiến thức mới cho hộ kinh doanh thuốc BVTV; tập huấn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, xử lý thu gom bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định cho hàng trăm nghìn lượt hộ nông dân.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế hộ còn nhỏ, sản xuất manh mún cho nên số hộ sử dụng thuốc BVTV nhiều, rất khác nhau; ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV còn hạn chế. Năm 2017, qua thanh tra, kiểm tra 6.459 hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV, có 962 hộ vi phạm sử dụng không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng trên nhãn, sử dụng có thời gian cách ly không bảo đảm. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Nhiều nơi chính quyền địa phương chưa làm hết vai trò, trách nhiệm cho nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý thuốc BVTV. Hệ thống cán bộ mạng lưới BVTV cấp xã vẫn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ; ở một số nơi người dân vẫn lạm dụng sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra, năng lực một số phòng thử nghiệm chưa đáp ứng về trang thiết bị, nguồn lực và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở về thuốc BVTV. Theo thống kê, tại tỉnh Tuyên Quang, mỗi năm người dân sử dụng khoảng 600 tấn thuốc BVTV. Hiện nay, toàn tỉnh có 542 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Ðể bảo đảm công tác quản lý các cơ sở kinh doanh và việc sử dụng thuốc BVTV, hằng năm cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về bảo đảm an toàn trong kinh doanh cũng như sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng tỉnh kiểm tra 225 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, giống cây trồng và phân bón trên địa bàn, phát hiện sáu cơ sở vi phạm. Các cơ sở kinh doanh chủ yếu vi phạm các hành vi buôn bán thuốc BVTV không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; vi phạm nhãn mác; buôn bán thuốc hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.
Để quản lý và sử dụng hiệu quả thuốc BVTV trong sản xuất, các bộ, ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong đăng ký thuốc BVTV. Hạn chế đăng ký sản phẩm thuộc nhóm độc cao, có thời gian cách ly dài, có độc tính cao với ký sinh thiên địch và ảnh hưởng tới môi trường. Ðổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ trọng thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, thân thiện môi trường. Khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong BVTV để lựa chọn, tạo ra các giống chống chịu sâu bệnh; áp dụng các dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất thuốc BVTV sinh học; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, phát hiện dịch hại và dự tính, dự báo của hệ thống BVTV nhằm xác định chính xác thời điểm phát sinh gây hại của sâu bệnh để chủ động phòng trừ. Cần ứng dụng hiệu quả công nghệ tin học, triển khai dịch vụ công trực tuyến trong công tác quản lý thuốc BVTV; nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh cũng như người sử dụng thuốc BVTV.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong năm 2017 lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 7.174 cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV; kết quả có 934 cơ sở vi phạm. Các hành vi vi phạm bao gồm: Không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV; buôn bán thuốc ngoài danh mục; buôn bán thuốc không phù hợp tiêu chuẩn chất lượng; buôn bán thuốc vi phạm nội dung ghi nhãn; buôn bán thuốc quá hạn sử dụng.
Nguồn: nhandan.com.vn