"/>
Theo Bộ Công thương, năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng hơn 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ với tổng sản lượng hằng năm đạt hơn 8 triệu tấn.
Trong đó, năng lực sản xuất một số loại phân bón chính (u-rê, NPK, lân), những loại phân bón có ảnh hưởng lớn trên thị trường đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh (SXKD) phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn hết sức nhức nhối thời gian qua, gây thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Nhiều vi phạm về chất lượng
Hiện nước ta có khoảng 300 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có một số doanh nghiệp (DN) có năng lực sản xuất tương đối lớn. Từ chỗ phải nhập khẩu gần 60%, đến nay nước ta đã chủ động được nguồn cung phân u-rê, phát triển những loại phân bón mới như DAP, ka-li... Do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối với các loại phân bón SA, ka-li và một phần DAP cho nên cả nước vẫn phải nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón, chủ yếu là các loại nêu trên để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do phân bón chưa được quy định là mặt hàng SXKD có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia SXKD. Hậu quả là tình trạng SXKD phân bón giả, phân bón kém chất lượng, làm hàng nhái đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây thiệt hại cho bà con nông dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp.
Hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón kém chất lượng với tỷ lệ rất cao. Ðiển hình như, gần đây xuất hiện phân bón dạng lỏng dùng cho cây chè ở Yên Bái gây nguy hại tới môi trường hay lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở đây bắt giữ 200 tấn phân đạm kém chất lượng; vụ việc phân bón giả hoành hành ở đồng bằng sông Cửu Long, làm chết nhiều héc-ta cây cao-su, hồ tiêu ở Tây Nguyên... Một số cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao. Phân bón nhập khẩu cũng bị làm giả và nhái bao bì phân ka-li của các Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty Xuất nhập khẩu Vinacam... Sản phẩm phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng, có chỉ tiêu dinh dưỡng thấp (giảm tới 80%) đang ở mức lo ngại. Nhiều nhà sản xuất không chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cố tình đưa ra thị trường những mặt hàng phân bón kém chất lượng. Số tiền người dân thiệt hại do sử dụng phân bón giả và kém chất lượng lên tới nhiều tỷ đồng. Chỉ trong quý I-2013, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 215 vụ, trong đó đã xử lý 82 vụ, tịch thu 81 tấn phân bón các loại, tiêu hủy số hàng trị giá 253 triệu đồng.
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), để có tên trong Danh mục phân bón, cần phải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý, vừa tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, gây khó khăn cho việc tra cứu, không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Việc quản lý phân bón theo hình thức "Danh mục phân bón" không còn phù hợp nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất và xu hướng hội nhập quốc tế. Hiện nay có hai bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ. Do vậy, chưa có cơ quan nào thật sự nắm vững về các hoạt động SXKD, xuất nhập khẩu phân bón. Việc quản lý còn phân tán, chồng chéo, chưa hiệu quả. Ở cấp địa phương, cơ quan quản lý còn thiếu cán bộ, trang thiết bị phân tích, kinh phí...
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Ðình Hạc Thúy cho chúng tôi biết, mặc dù Nhà nước đã ban hành sáu văn bản luật và nghị định của Quốc hội, Chính phủ, tám thông tư của hai bộ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, song tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn mác chưa hề giảm. Ðể đối phó các lực lượng chức năng, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân SXKD phân bón đã có những hành vi, biến tướng mới, như chia nhỏ lẻ, sản xuất bí mật, thay đổi địa bàn, ém hàng ở vùng sâu, vùng vắng người. Hay sản xuất một nơi, hóa đơn một nẻo. Nghiêm trọng nhất là tình trạng nhái nhãn mác (trộn bột gạch, cao lanh, đất sét) các loại phân bón nhập khẩu đắt tiền như ka-li, DAP... từ cửa khẩu đến thị trường nội địa.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do hệ thống thanh tra chuyên ngành chưa được thiết lập, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2010/NÐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động SXKD phân bón nhưng còn nhiều hành vi vi phạm chưa được thể hiện cho nên việc xử lý vẫn phải dựa vào Nghị định 06/2008/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại. Nhiều vụ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhưng mới chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.
Siết chặt quản lý chất lượng
Từ thực tế cho thấy, việc ban hành Nghị định về quản lý phân bón mới thay thế Nghị định 113/2003/NÐ-CP và Nghị định 191/2007/NÐ-CP là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn đối với công tác quản lý nhà nước về phân bón. Bộ Công thương đã được Chính phủ giao soạn thảo và đang hoàn thiện nghị định mới thay thế các nghị định nêu trên. Theo đó, các đơn vị sản xuất phân bón sẽ phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý bảo đảm chất lượng phân bón, đồng thời sẽ loại bỏ được những đơn vị yếu kém, không đủ điều kiện sản xuất hay sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Việc quy định chi tiết điều kiện sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân SXKD, xuất nhập khẩu phân bón sẽ tạo thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, phân loại, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định này để công tác quản lý phân bón phù hợp tình hình mới. Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Ðình Hạc Thúy cho rằng, nghị định mới chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, nhái các thương hiệu uy tín... Tuy nhiên, nếu các lực lượng chức năng không quyết liệt vào cuộc thì khó kiểm soát được chất lượng phân bón trên thị trường.
Ðể hạn chế tình trạng trên, Cục QLTT và lực lượng QLTT cả nước đang tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo sát biến động của hệ thống các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ phân bón trên địa bàn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung số liệu thống kê, kịp thời xử lý các vi phạm. Trong đó, tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường; kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón, nhất là những loại phân bón có công nghệ sản xuất tương đối đơn giản như NPK thông qua việc sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh phân bón. Cần đưa phân bón vào diện mặt hàng kinh doanh có điều kiện trong Nghị định về quản lý phân bón.
Cục QLTT cũng kiến nghị, đối với các vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý, ngoài hình thức phạt tiền là chính thì cần bổ sung hình thức "tịch thu hàng giả" và phải có biện pháp khắc phục hậu quả trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là đối với bà con nông dân, vùng sâu, vùng xa... để người dân có điều kiện tham gia ngăn chặn, chống hành vi vi phạm trong kinh doanh phân bón. Trong khi đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (CTCP) kiến nghị, QLTT cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón nhập khẩu tiểu ngạch tại biên giới phía bắc. Trong điều kiện cung (phân bón vô cơ) đã đáp ứng và vượt cầu như hiện nay thì các cơ quan chức năng cần chủ động điều tiết cung cầu bằng cách hạn chế hàng nhập khẩu, nhất là những mặt hàng thẩm lậu qua biên giới không thể giám sát và kiểm tra được chất lượng. Ðồng thời, các cơ quan chức năng có chính sách khuyến khích nhà sản xuất tổ chức hoàn thiện kênh phân phối để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp các cơ quan quản lý và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo Cục Trồng trọt, phân bón là loại hàng hóa đặc thù, khi xét các điều kiện về vi phạm chất lượng và đề ra các chế tài xử lý, xử phạt cần có những quy định đặc thù riêng. Phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, tăng độ màu mỡ cho đất, nhưng trái lại cũng có thể gây tác động xấu môi trường. Do vậy, cần thiết phải đưa phân bón vào nhóm mặt hàng SXKD có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát. Ðối với hệ thống phân tích chất lượng phân bón, Cục Trồng trọt kiến nghị cần đầu tư trọng điểm cho một số phòng thí nghiệm phân tích tại một số vùng kinh tế chính trên cả nước. Hình thành hệ thống giám định chất lượng có chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá khả năng phân tích chất lượng phân bón của các phòng phân tích khác. Chính phủ cần dành một khoản ngân sách cấp thường xuyên cho việc lấy mẫu phân bón kiểm tra, phân tích, đánh giá, tổ chức tập huấn về phương pháp, rút kinh nghiệm trên toàn quốc và từng vùng.
Một giải pháp quan trọng khác mà nhiều cơ quan, đơn vị thống nhất cao là cần có các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của hệ thống phân phối phân bón để lưu thông được thông suốt từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến người nông dân, tránh sự chồng chéo và giảm những chi phí trung gian không cần thiết. Theo ông Nguyễn Ðình Hạc Thúy, điều cần thiết hiện nay là củng cố hệ thống phân phối phân bón, giảm bớt khâu trung gian, giảm cầu cấp, đưa thẳng phân bón từ nhà sản xuất tới nông dân, cũng là góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.