Trước tin Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) đề xuất việc tăng giá bán than vào 4 hộ tiêu thụ lớn trong nước là điện, ximăng, giấy, phân bón kể từ đầu năm tới, cả 4 hộ tiêu thụ đang tỏ ra hết sức lo lắng.
Vẫn biết giá than nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh để tiệm cận giá thị trường, song các ngành sản xuất trong nước đều gặp khó khăn do thị trường đã bão hoà, áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá sản phẩm. Riêng với ngành điện, tăng giá than đồng nghĩa với việc ngành này sẽ thêm áp lực đầu vào, tăng giá điện là việc khó tránh khỏi.
“Chúng tôi chỉ còn nước tăng giá”
Ông Lê Văn Chung - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TCty CN Ximăng VN (Vicem) - không giấu nổi bức xúc trước việc TKV vừa tiếp tục kiến nghị Chính phủ tăng giá bán than cho ximăng từ đầu năm tới. Theo ông, với giá than hiện tại mà TKV cho rằng mới bằng khoảng 60% so với giá XK, loại than cám 3a, 3b và 4a đang tiêu thụ trong các nhà máy ximăng - thì đã vào khoảng từ 1,17 đến 1,5 triệu đồng/tấn.
Trong khi giá ximăng của VN được xem là khá thấp trong khu vực, chỉ khoảng 50USD/tấn (hiện giá ximăng các nước vào khoảng 70-80USD/tấn). “Với giá này, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí, ngoài ra còn tận dụng nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu để sản xuất ximăng nhằm giảm giá thành” - ông Chung nói. Nhưng mới đây, do thiếu than và giá than cao, 2 dây chuyền ximăng của Vicem là Hà Tiên 2 và dây chuyền ướt ximăng Bỉm Sơn, công suất 600.000 tấn/năm đã phải dừng hoạt động. Nếu cứ đà này, không tăng được giá bán, chắc nhiều DN thuộc Vicem cũng cùng chung số phận đóng cửa.
Cùng chung tâm trạng với ngành ximăng là ngành hoá chất. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoá chất VN (Vinachem) - tâm sự, khó khăn nhất là các DN sản xuất phân bón. Trong năm 2010, Cty phân đạm và hóa chất Bắc Giang và 2 Cty sản xuất phân lân là Phân lân nung chảy Văn Điển và Phân lân Ninh Bình đều bị giảm lợi nhuận lớn so với cùng kỳ các năm. Khi giá than được điều chỉnh tăng từ 1.10.2009 với mức giá tương đương 90% giá XK, nhiều DN phân bón tưởng chừng bị “nốc ao” vì khó lòng cạnh tranh trên sân nhà. Nay nếu giá than tăng tiếp bằng giá NK tại thời điểm hiện nay, thì các DN cầm chắc thua lỗ. Mới đây, một lãnh đạo Vinachem cũng không ngại công bố mức giảm lợi nhuận của Cty phân đạm và hóa chất Bắc Giang năm 2010 dự tính khoảng 260 tỉ đồng trong tổng số 500 tỉ đồng lợi nhuận dự kiến.
Nếu tăng tiếp giá than cho phân bón có thể lên tới 2 triệu đồng/tấn thì thử hỏi làm gì còn lợi nhuận. Tập đoàn Hoá chất vì vậy đã có kiến nghị tạm thời chưa tăng giá bán than cho sản xuất phân bón trong năm 2011.
Cũng chịu tác động tăng giá than là ngành thép. Ông Vũ Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - cho biết: Hiện một số DN ngành thép gặp khó khăn khi trước đó chuyển việc sử dụng nhiên liệu dầu FO sang sử dụng than. Do nghĩ rằng giá than dễ chịu hơn với giá dầu nên giảm được chi phí, song chỉ là cách nhìn ngắn hạn. Về lâu dài, nếu phụ thuộc chủ yếu vào than, các DN sẽ khó chống đỡ với giá than tăng tiệm cận giá XK. Ông Nghi cũng cho biết, do tỉ giá ngoại tệ tăng quá cao, các DN ngành thép muốn tăng giá mà không tăng được, nay phải chịu thêm giá than tăng thì không biết sẽ chống đỡ ra sao?
Đề xuất tạm ngừng tăng giá than
Mới đây trong văn bản gửi Bộ Công Thương về cân đối cung cầu và bình ổn thị trường ximăng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng nêu một thực tế là trong bối cảnh hội nhập, ximăng hiện được xem là mặt hàng có tính cạnh tranh cao khi giá bán ximăng trong nước chỉ thuộc hàng trung bình so với giá bán ximăng nội địa của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của ximăng lại nằm chính ở giá nguyên liệu đầu vào như than, xăng dầu, vật tư, phụ tùng thay thế tăng quá mạnh.
Bởi vậy, để thực hiện tốt việc cân đối cung - cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá ximăng, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá các mặt hàng than, điện, xăng dầu. Về điều chỉnh giá than cho phân bón, ông Tuấn cũng kiến nghị, Chính phủ có lộ trình điều chỉnh giá để tránh gây sốc cho DN, nhất là trong tình hình DN chịu nhiều áp lực tăng giá đầu vào như hiện nay. Mức điều chỉnh giá than có thể tăng từ từ, không nên vượt quá 10-15% giá bán hiện tại.
Với ngành điện, dù Chính phủ đã quyết định giá than cho điện sẽ tăng theo giá điện dự kiến được điều chỉnh theo giá thị trường kể từ năm sau, nhưng theo một quan chức thuộc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), rất khó để giá điện theo cơ chế thị trường vào thời điểm hiện tại. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo giá thị trường, từ đó phải xây dựng được giá điện theo nguyên tắc đảm bảo thu hồi được chi phí sản xuất, kinh doanh, có tính đến các yếu tố biến động giá đầu vào.
Vì vậy, nếu từ đầu năm tới, giá bán than cho điện được điều chỉnh tăng một bước bằng giá thành sản xuất than, thì việc tăng giá này phải được tính toán điều chỉnh và thể hiện ở các thông số đầu vào của sản xuất điện. Tuy vậy, theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN - cho biết, với đà tăng giá than và các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện, giá điện trong năm 2011 có thể phải tăng tới 30% so với giá bán lẻ bình quân hiện nay, khoảng 6,5UScent/kWh (giá bán lẻ bình quân hiện nay là 5,3UScent/kWh). Vì thế, để giảm áp lực buộc phải tăng giá, giảm gánh nặng CPI trong nước, việc tăng giá than ở mức hợp lý, không chạy theo giá XK là việc cần được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cân nhắc kỹ.