Các hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường phân urê có thể không chỉ tác động tới lĩnh vực trồng trọt, mà còn tác động đa chiều tới nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế…
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân urê tại Việt Nam”.
Báo cáo thuộc khuôn khổ Dự án “Hoàn thiện chính sách và nâng cao năng lực hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh”. Đây là một trong các dự án hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật do JICA tài trợ từ nguồn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản nhằm mục tiêu tăng cường môi trường cạnh tranh của Việt Nam thông qua việc hoàn thiện chính sách cạnh tranh và tăng cường năng lực thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh 2018 tại Việt Nam.
SẢN XUẤT TRONG NƯỚC LÀ NGUỒN CUNG ỨNG CHÍNH TRÊN THỊ TRƯỜNG
Theo báo cáo, trong năm 2021, thị trường phân bón nói chung và các loại phân đạm khác, trong đó có phân urê nói riêng đã có những biến động bất thường ảnh hưởng tới người tiêu dùng trong nước. Mặt hàng phân urê chịu sự tác động của nhiều yếu tố khiến cho giá cả tăng cao so với cùng kỳ của những năm trước.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là một trong những vật tư quan trọng, góp phần đáng kể làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản.
Từ chỗ phải nhập khẩu nhiều loại phân bón, đến nay Việt Nam đã chủ động được nguồn cung một số loại phân bón chủ yếu như phân urê, phân supe lân, phân lân nung chảy, phân bón hỗn hợp NPK, phân bón hữu cơ, …và cùng với phân bón nhập khẩu đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 9 - 10 triệu tấn phân bón vô cơ từ nguồn sản xuất công nghiệp.
Năm 2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng là 10,23 triệu tấn, gồm 7,6 triệu tấn phân bón vô cơ (bao gồm các loại phân urê, phân lân, phân kali, NPK, SA, DAP…) và 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ, ngoài ra còn có khoảng 17 triệu tấn phân bón hữu cơ do các nông hộ tự sản xuất để sử dụng từ các nguồn phụ phẩm sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản.
Về năng lực sản xuất trong nước, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 841 cơ sở sản xuất phân bón đang hoạt động với tổng công suất là 29,25 triệu tấn/năm trong đó, công suất sản xuất phân bón vô cơ là 25,21 triệu tấn/năm, sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm. Trong số các nhà máy sản xuất phân bón vô cơ, có trên 15 nhà máy sản xuất cơ bản có công suất lớn với tổng công suất trên 5 triệu tấn/năm.
Phân urê trên thị trường Việt Nam được cung ứng từ nguồn sản xuất trong nước hoặc nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam có 04 nhà máy sản xuất urê với tổng công suất khoảng đạt 2.270 tấn /năm. Trên thực tế, sản lượng sản xuất phân urê của 04 nhà máy nêu trên trong thời gian từ năm 2018 cho tới nay liên tục gia tăng.
Về nhập khẩu, trong tất cả nhóm phân bón, phân urê là sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu ít nhất.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng nhập khẩu phân urê trên toàn quốc trong thời gian từ 2018 cho tới nay liên tục giảm một cách đáng kể. Năm 2018, sản lượng nhập khẩu phân urê cả nước đạt 525,796 nghìn tấn. Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu năm 2019 chỉ đạt khoảng 75% năm 2018. Năm 2020, tổng sản lượng nhập khẩu chỉ ở mức 111,416 nghìn tấn, tương đương khoảng 21% năm 2018.
Nói cách khác, tại thời điểm hiện nay, sản xuất trong nước là nguồn cung ứng chính trên thị trường phân urê tại Việt Nam.
HẠN CHẾ CẠNH TRANH SẼ GÂY THIỆT HẠI ĐÁNG KỂ TỚI PHÚC LỢI XÃ HỘI
Báo cáo cho rằng, dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, thị trường phân urê được xem là một thị trường liên quan. Tuy nhiên, trong mối tương quan với tổng thể nền kinh tế, thị trường phân urê được xem là thị trường hạ nguồn của lĩnh vực khai khác tài nguyên thiên nhiên (khí và than), đồng thời, cũng là thị trường thượng nguồn của lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác (phân bón khác và keo).
“Các hành vi cản trở cạnh tranh trên thị trường phân urê có thể không chỉ tác động tới lĩnh vực trồng trọt mà còn tác động đa chiều tới nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế” báo cáo nêu rõ.
Đáng lưu ý, đối tượng cuối cùng chịu tác động hành vi hạn chế cạnh tranh là người tiêu dùng (nông dân, tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón để trong lĩnh vực trồng trọt và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm công nghiệp sản xuất từ phân urê).
Do vậy, hành vi hạn chế cạnh tranh xảy ra trên thị trường phân urê có khả năng gây thiệt hại đáng kể tới phúc lợi xã hội cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Thị trường phân urê được dẫn dắt bởi công đoạn sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất có khả năng chi phối các doanh nghiệp ở công đoạn khác trên thị trường.
Trong khi đó, do tính chất tự nhiên của thị trường (rào cản gia nhập lớn), số lượng doanh nghiệp sản xuất giới hạn không đáng kể và ổn định trong thời gian dài. Do vậy, dưới góc độ kinh tế học, thị trường phân urê có cấu trúc thị trường độc quyền nhóm, sức mạnh tích tụ tại nhóm doanh nghiệp sản xuất.
Thị trường phân urê là thị trường đặc thù, việc sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu là tài nguyên thiên nhiên từ nguồn tài nguyên quốc gia (khí và than), nên doanh nghiệp sản xuất hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước, đồng thời sản phẩm đầu ra được sử dụng với mục đích chính là phục vụ trồng trọt.
TẠO ĐỘNG LỰC CẠNH TRANH GIỮA CÁC NHÓM DOANH NGHIỆP
Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị.
Về chính sách và pháp luật, thứ nhất, cần duy trì chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước (bao gồm doanh nghiệp nhà nước) tham gia công đoạn sản xuất urê, nhằm đảm bảo lợi ích của quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Thứ hai, cần duy trì cấu trúc thị trường sản xuất phân urê như hiện nay với sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay, trên công đoạn sản xuất, có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước thuộc hai Tập đoàn nhà nước do ngành sản xuất urê yêu cầu vốn đầu tư lớn, khó có doanh nghiệp trong nước có vốn ngoài nhà nước có năng lực tài chính đủ mạnh để tham gia vào công đoạn này.
Do vậy, việc duy trì các doanh nghiệp này trên thị trường là cần thiết, nhằm tạo nên các động lực cạnh tranh giữa các nhóm doanh nghiệp với nhau, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng cũng như của xã hội.
Thứ ba, cần xây dựng các chính sách liên quan đến giám sát hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất, để ngăn chặn việc lợi dụng lợi thế về cấu trúc thị trường độc quyền nhóm nhằm thực hiện hành vi bóp méo cạnh tranh trên thị trường.
Thứ tư, cần xây dựng các chính sách giải quyết hiện tượng cung vượt cầu trên thị trường hiện nay, tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy cạnh tranh.
Thứ năm, cơ quan quản lý chuyên ngành cần có các chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong sản xuất kinh doanh tại thị trường phân urê.
Song song với rà soát hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban quản lý vốn nhà nước) cần có sự giám sát sát sao, từ đó đưa ra các giải pháp, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trên thị trường.
Chính sách này vừa nâng cao hiệu quả về kinh tế trong tương lai đối với thị trường phân urê nói chung, vừa hạn chế thiệt hại về kinh tế đối với nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong việc xây dựng, thành lập nhà máy sản xuất.
Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo cũng kiến nghị, cần xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi thị trường phân urê. Do thị trường sản xuất phân urê tại Việt Nam có mức độ tập trung cao, tác động trực tiếp tới hoạt động trồng trọt của người dân, việc đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng từ đó nâng cao phúc lợi xã hội là cần thiết.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật cạnh tranh nói riêng đối với các doanh nghiệp trên thị trường phân urê.
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên thị trường, cần chủ động nghiên cứu Luật cạnh tranh và các pháp luật liên quan và cập nhật thông tin một cách thương xuyên. Chủ động tham vấn với các cơ quan nhà nước hữu quan khi phát hiện các hành vi cạnh tranh có nguy cơ hạn chế môi trường cạnh tranh và tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Để phòng ngừa các yếu tố có nguy cơ dẫn đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, báo cáo khuyến nghị các doanh nghiệp nên không đưa vào hợp đồng những quy định/điều khoản có thể dẫn tới các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như: Thỏa thuận ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp; Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp thuốc; Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường.
Với thị trường có mức độ tập trung cao như thị trường phân urê tại Việt Nam, doanh nghiệp được khuyến nghị xây dựng chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh, hạn chế rủi ro kinh doanh do vi phạm pháp luật cạnh tranh.