Bộ Công Thương đã có Công văn số 2593/BCT-HC gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh, sửa đổi quy định tại Luật thuế 71 đối với sản xuất phân bón. Theo đó, kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 0% hoặc 5%.
Tác động ngược
Theo Bộ Công Thương, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, có nghĩa là doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu (NK) để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón.
“Trên cơ sở đó, toàn bộ chi phí phát sinh được các DN tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất phân bón. Ước tính, khi thực hiện Luật 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%”- Bộ Công Thương nêu rõ.
Bộ Công Thương nhận định, tăng chi phí sản xuất sẽ giảm sức cạnh tranh với phân bón NK, người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn do phải chịu cộng thuế GTGT đầu vào. Theo các số liệu thống kê, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của DN năm 2018, cụ thể: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trên 141 tỷ đồng; Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỷ đồng… Như vậy, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT khiến người nông dân không được hưởng giá thấp, đồng thời tạo điều kiện cho DN NK tăng sức ép đối với các DN sản xuất trong nước, khiến DN sản xuất trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.
Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có văn bản gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị sửa Luật thuế 71, nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD) trước tác động của dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty CP Dap Vinachem - khẳng định, Luật thuế 71 quy định thuế GTGT hàng năm phải tính vào chi phí sản xuất, khiến giá thành sản xuất phân bón tăng 3 - 4%, từ đó làm tăng giá bán sản phẩm. Như vậy mục đích tốt đẹp ban đầu khi ban hành Luật thuế 71 để hỗ trợ nông dân được hưởng lợi, giúp DN trong nước tăng sức cạnh tranh không đạt mục tiêu.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Từ những bất cập nêu trên, các DN trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0% hoặc 5% như trước đây.
Công văn của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT để tháo gỡ khó khăn cho DN là cần thiết. Nhất là trong thời điểm DN đang khó khăn do tác động của một số chính sách và dịch Covid-19. Theo đó, việc điều chỉnh là phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/2/2020 về phòng, chống dịch Covid - 19, phù hợp với quy định chung về thuế GTGT đối với sản xuất phân bón của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An - nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo sự công bằng giữa các DN sản xuất và NK, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế GTGT từ 0%- 5% và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn trong kỳ họp tới.
Việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế 71 chính là “liều thuốc” quan trọng, giúp nông dân và DN sản xuất phân bón vượt qua khó khăn, ổn định ngành phân bón trong nước cũng chính là ổn định nền nông nghiệp nước nhà.
Nguồn: Báo Công Thương