Thêm “cú sốc” cho doanh nghiệp

02:10 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Tư, 2012

Theo các doanh nghiệp, với mức giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 900 đồng/lít vào tối 20/4 đây là một “cú sốc” lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng thêm 900 đồng/lít vào tối 20/4 vừa qua, nếu duy trì đến cuối năm sẽ chỉ tác động đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng khoảng 0,364%. Nhưng theo các doanh nghiệp, đây lại là một “cú sốc” lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Mặc dù vẫn biết việc tăng giá xăng dầu cũng là bất đắc dĩ, khi mà các doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu luôn kêu ca đã phải chịu lỗ trong một thời gian dài và Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phải sử dụng để bù lỗ, nhưng hầu hết các DN sản xuất, kinh doanh, vận tải đều cho rằng, tăng giá xăng dầu vào thời điểm này là không thích hợp. Việc giá xăng tăng hai lần liên tiếp từ đầu năm đến nay với mức tăng lên tới 3.000 đồng/lít đã đặt gánh nặng quá lớn lên DN, trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng giá và lãi suất ngân hàng rất cao. Tất cả những yếu tố này tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của DN, đẩy giá thành sản phẩm xuất khẩu lên cao. Trong khi đó, khi xuất khẩu, DN không thể cộng chi phí vào để bán sản phẩm với giá cao hơn mặt bằng giá của thị trường thế giới, và như vậy DN sẽ khó khăn hơn.

Ở thị trường trong nước, DN cũng không biết phải xoay sở như thế nào khi giá bán ra không thể tăng mà chi phí đầu vào cứ tăng liên tiếp. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, phân tích: “Đối với ngành thép, để sản xuất 1 tấn sản phẩm phải tiêu thụ khoảng 40kg dầu FO nên giá dầu điều chỉnh tăng bao nhiêu là giá thành sản phẩm tăng tương ứng bấy nhiêu, nhưng giá bán ra cũng không tăng được bao nhiêu, bởi tăng là mất thị phần. Do khó khăn, nhiều DN thép đang sản xuất cầm chừng”.

Có thể thấy, điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế và DN lo ngại trước quyết định tăng giá xăng dầu lần này chính là tính thời điểm của quyết định đó. Thứ nhất, vì giá xăng dầu được điều chỉnh tăng đúng vào thời điểm giá xăng nhập khẩu trên thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam - liên tục giảm trong gần 20 ngày. Nếu như ngày 4/4, giá xăng nhập khẩu tại thị trường Singapore là 137,56 USD/thùng, thì đến ngày 19/4 (một ngày trước khi tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước) giá chỉ còn 129,48 USD/thùng.

Với mức giá này, kể cả tính theo cách tính giá cơ sở bình quân 30 ngày mà Bộ Tài chính vẫn áp dụng (mà nhiều chuyên gia cho rằng cách tính này đã lạc hậu), thì giá nhập khẩu cũng chỉ cao hơn giá bán lẻ khoảng 500 đồng/lít (kể cả đã trừ khoản lợi nhuận định mức và 300 đồng sử dụng Quỹ bình ổn). Như vậy, chỉ cần tăng giá xăng thêm 500-600 đồng/lít là hợp lý. Thứ hai, thời điểm của hai lần tăng giá quá sát nhau (7/3 và 20/4) đã tạo tác động xấu đến tâm lý của người tiêu dùng và chất thêm gánh nặng lên DN, đặc biệt là những DN sử dụng nhiều xăng dầu như ngành vận tải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán giá xăng dầu sẽ tăng nhưng không nghĩ thời điểm tăng giá sát nhau như vậy. Với việc tăng giá này, đương nhiên chúng tôi sẽ phải điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, ngành vận tải hành khách đang có một cái khó, đó là không tăng giá cước vận tải thì hiệu quả kinh tế của hoạt động kinh doanh vận tải càng ngày càng thấp, còn tăng giá cước vào thời điểm này thì số lượng khách sẽ ngày càng ít đi. Hiện lượng khách sử dụng các phương tiện vận tải hành khách đã xuống thấp kể từ sau Tết, nếu tăng giá nữa sẽ càng ít khách hơn”.

Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường là yêu cầu tất yếu, DN và người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận sự điều chỉnh đó. Song, xăng dầu là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như liên quan trực tiếp tới đời sống người dân nên cần lưu ý những tác động của quyết định tăng giá tại từng thời điểm nhạy cảm. Nếu không lựa chọn đúng thời điểm thì hiệu quả của những nỗ lực kiềm chế lạm phát sẽ giảm rất nhiều./.

Nguồn: