Nạn phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành trên thị trường. Để đấu tranh xóa bỏ triệt để tình trạng này, không ít ý kiến cho rằng phải có cái nhìn xa hơn trong quy hoạch phân bón, tái cơ cấu thị trường phân bón. Đặc biệt, nhiều ý kiến khẩn thiết đề nghị các bộ, ngành và Chính phủ cần sửa đổi những bất cập dễ gây kẽ hở, bất ổn cho thị trường phân bón
Cần kíp sửa đổi Luật 71 về thuế đối với phân bón
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao - cho rằng: Theo Luật số 71/2014/QH13, các sản phẩm phân bón thuộc mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Doanh nghiệp phải chịu thuế đầu vào nhưng không được khấu trừ đầu ra đã tác động lớn đến chi phí sản xuất. Nếu áp dụng Luật 71, mỗi năm Công ty Supe Lâm Thao sẽ gánh thêm chi phí khoảng 180 tỷ đồng. Thực hiện Luật số 71/2014/QH13, 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao giảm 16%, sản lượng sản xuất giảm 4%, hiệu quả kinh doanh dự kiến giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, Luật số 71/2014/QH13 quy định: Phân bón nhập khẩu được giảm 5% tiền thuế GTGT. Như vậy, phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá, nới rộng khoảng cách về giá giữa phân bón công ty sản xuất với phân bón nhập khẩu.
Đồng tình với ý kiến của ông Tuyến, đa phần các DN sản xuất phân bón trong nước đều kiến nghị nên xem xét sửa đổi lại Luật này. Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV DAP– VINACHEM Hải Phòng cho biết, năm 2015 công ty cũng sẽ mất khoảng trên 70 tỷ đồng nếu áp dụng theo Luật 71.
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng cho hay, sau khi không được khấu trừ thuế theo Luật Thuế 71, giá phân bón của Bình Điền bán đến tay nông dân không những giảm mà còn tăng do DN phải cộng thêm phần thuế không được khấu trừ vào giá thành. Hơn nữa, việc áp dụng luật thuế mới, DN sản xuất NPK trong nước bị cạnh tranh nhiều do hàng nhập khẩu giờ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 6%. Trong khi đó, Công ty Bình Điền đang xuất khẩu phân bón sang Nga, Lào, Myanmar… giá thấp hơn trong nước do được khấu trừ thuế nên nhiều sản phẩm thậm chí bán ngược lại tại các vùng lân cận. Vì vậy, ông Đông kiến nghị các bộ, ngành đề xuất lên Chính phủ sửa đổi Luật Thuế 71 đưa phân bón thành lĩnh vực chịu thuế 0%.
Trước kiến nghị của tất cả các DN sản xuất phân bón về Luật 71, ông Kiều Đình Thụ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 cần được tiến hành ngay, vì đây là quy trình mất nhiều thời gian. Để làm việc này, cần có kiến nghị chính thức trình Chính phủ. Từ đó, Chính phủ có cơ sở xem xét và giao cho cơ quan chủ trì.
Sẽ xây dựng lại Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón
Trước tình hình hỗn loạn của thị trường phân bón hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương sẽ xây dựng lại Nghị định sửa đổi về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón và dự kiến báo cáo Chính phủ trong năm 2015.“Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại các ý kiến của doanh nghiệp để có điều chỉnh chính sách trong thời gian tới, nhằm giảm hiện trạng phân bón giả, kém chất lượng và đưa ngành phân bón hoạt động tốt nhất” - Thứ trưởng cho hay.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ rà soát lại các doanh nghiệp phân bón trên cả nước để thực hiện cấp giấy phép. Cho tới thời điểm này, cơ quan quản lý nhận được 80 hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp và đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp. Bộ Công Thương cam kết sẽ rà soát lại các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón. Do đó, các doanh nghiệp đủ điều kiện, năng lực mới có thể tồn tại được.