Giá phân bón bán tới tay người nông dân luôn ở mức rất cao so với giá bán ra tại nhà máy. Đó là một thực tế đã tồn tại bao nhiêu năm nay. Đây là hệ quả của việc thị trường kinh doanh phân bón chưa được minh bạch.
Quá nhiều trung gian phân phối
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, điều nghịch lý là giá bán thấp của doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước không đến được với bà con nông dân, bởi giá thấp này tăng dần qua các tầng nấc trung gian. Hệ quả, DN nhập khẩu gặp khó khi thực hiện các thương vụ, luôn tiềm ẩn rủi ro. Phân bón sản xuất trong nước chưa tính đúng tính đủ theo nguyên tắc thị trường, như giá than bán cho DN sản xuất phân bón rẻ hơn từ 55% - 82% tùy loại; giá bán khí cũng vậy, chỉ khoảng 4,59 USD/triệu BTU (đơn vị đo khí) thay vì 7,5 USD/triệu BTU… Giá urê nhập khẩu hiện nay là 10.277 đồng/kg nhưng giá vốn urê trong nước sản xuất bằng khí là 4.348 đồng/kg và bằng than đá là 7.860 đồng/kg.
Theo Cục Quản lý giá, điều này làm méo mó hệ thống giá cả, giá đầu vào và đầu ra của sản xuất phân bón. Đặc biệt là xảy ra nghịch lý, giá phân bón bán từ nhà máy thấp, nhưng đến tay nông dân vẫn ở mức cao. Phân urê - mặt hàng sử dụng nhiều nhất cho vụ đông xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm của ngành nông nghiệp nhưng sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 60%.
TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang cho biết, tại An Giang, nhiều loại vật tư nông nghiệp khi tới tay nông dân đã bị đẩy giá lên hơn 30-40% so với giá nhà máy. Một trong những nguyên nhân khiến giá tăng vọt là do hệ thống phân phối còn nhiều bất cập và thông qua nhiều trung gian với những khoản chi hoa hồng ở mức cao của các công ty phân phối cho hệ thống các đại lý. Các đại lý kinh doanh phân bón tại An Giang, do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhất là khi bước vào vụ sản xuất, giá các loại phân bón đều tăng. Hiện giá nhiều loại phân bón như: Urea, DAP, NPK, Kali... đã tăng 20.000 - 40.00đ/bao.
Sắp có Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón
TS Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương cho biết, để lập lại trật tự cho thị trường phân bón, các bộ ngành liên quan đang soạn thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và dự kiến trình Chính phủ vào cuối quý I/2012. Nghị định này sẽ góp phần đưa phân bón vào diện mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 113 và Nghị định 191 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, nhằm kiện toàn việc quản lý sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này. Sau khi có ý kiến của các cơ quan quản lý, các DN sản xuất, kinh doanh phân bón, tổ soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa và đã hoàn thảnh dự thảo lần thứ 7 của Nghị định nêu trên. Dự kiến Nghị định có thể trình Chính phủ vào cuối quý I/2012.
Điểm quan trọng nhất của Nghị định là đưa sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó, DN sản xuất phân bón trong nước phải có đủ điều kiện sau: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận hoặc Giấy phép đầu tư đối với các DN FDI có ngành nghề sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất các loại phân bón đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của các tỉnh, thành phố cấp.
Để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, DN cần có chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; có máy móc, thiết bị quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn; có phòng kiểm nghiệm phân tích chất lượng cho từng lô sản phẩm hoặc có hợp đồng phân tích còn hiệu lực với các phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được công nhận hoặc chỉ định; có trang thiết bị an toàn phòng, chống cháy nổ; có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại; có diện tích hoặc có hợp đồng thuê kho chứa bảo quản phân bón phù hợp; có trong biên chế hoặc thuê đủ số lượng, chất lượng cán bộ kỹ thuật chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phân bón; có quy trình kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất, quy trình phân tích kiểm tra chất lượng phù hợp với loại phân bón sản xuất.
Để thị trường phân bón được minh bạch hơn, ngoài việc sắp tới đây chúng ta sẽ có Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, TS. Mai Thị Ánh Tuyết cũng đưa ra giải pháp đề xuất cả về khía cạnh quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Về quản lý nhà nước, để ổn định thị trường phân bón, cần sớm quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống phân phối. Ngoài ra cần có Luật phân bón để tạo hành lang pháp lý và điều hành vĩ mô cho sản xuất và kinh doanh phân bón. Việc hình thành quỹ bình ổn giá phân bón cũng rất cần thiết để giúp người nông dân ổn định chi phí đầu vào khi có biến động lớn do tình hình trong và ngoài nước.
Đối với DN, bà Tuyết cũng đề nghị cần xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Trong đó, DN cần khẩn trương phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ thống nhất và thông suốt. Trong ngành dọc, phải có các đơn vị có tổng kho, kho phân phối và các chi nhánh, mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên các địa bàn thị trường. Bên cạnh đó là hệ thống đại lý các cấp do DN lập ra và kiểm soát việc phân phối hàng hóa cho DN đến nông dân. Nhà sản xuất cần hình thành hoặc liên kết với nhà phân phối chuyên nghiệp để mở rộng thị phần, đặc biệt là ổn định giá bán đến người nông dân.