Thị trường phân bón sẽ tiếp tục nóng

10:32 SA @ Thứ Hai - 01 Tháng Mười Một, 2010

Các sức ép về chi phí đẩy sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón ở trạng thái rất cân nhắc để tăng nguồn cung từ nhập khẩu hoặc tăng sản xuất, hoặc sẽ phải đẩy giá lên cao.

Giá phân bón trên thị trường Việt Nam trong vòng 2 tháng trở lại đây tăng mạnh gây ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa. Xu hướng của thị trường nội địa bị thúc đẩy do chiều hướng đi lên của thị trường thế giới. Sau khi liên tục tăng giá trong tháng 8 và tháng 9 thì tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10 bắt đầu giảm giá trên 2 chủng loại Ure và DAP còn Ammoni và Uan vẫn tiếp tục xu hướng tăng chưa có dấu hiệu dừng lại, mức tăng trung bình từ 40-100 USD/tấn. Nguyên nhân chính của xu hướng giá phân bón thế giới tăng là do việc tăng giá phân bón từ thị trường Trung Quốc do tăng thuế xuất khẩu để đảm bảo lượng phân bón trong nước cho vụ màu mới tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc nhiều nhà máy sản xuất phân bón nghỉ để bảo dưỡng cũng như chính sách tiết kiệm năng lượng của Trung Quốc cũng khiến nguồn cung phân bón giảm.

Ở thị trường trong nước, giá Ure trung bình tháng 9 và tính đến trung tuần tháng 10 đều tăng ở hầu hết các địa phương. Mức tăng giá mạnh nhất tại thị trường Lâm Đồng đạt 7.425 đ/kg, tại Cần Thơ đạt 6.867 đ/kg. An Giang đạt 6.732 đ/kg tăng khoảng 26% so với mức đáy những tuần cuối năm 2009 và 2008. Nhìn vào xu hướng giá Urea trong 3 năm qua cũng thấy xu hướng giá đi xuống vào cuối năm, tuy nhiên riêng năm 2010 giá vẫn tiếp tục ở mức cao và đang còn chiều hướng tiếp tục đi lên.

Nguồn cung nhập khẩu giảm mạnh

Nhập khẩu phân bón của Việt Nam từ đầu năm 2010 đến nay liên tục biến động, giảm trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh lượng và trị giá nhập khẩu trong tháng 7 và tháng 8 và quay lại suy giảm tương đối mạnh trong tháng 9/2010. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2010, tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu chỉ ở mức 232 nghìn tấn, kim ngạch 75 triệu USD, giảm 27% về lượng và 33% về kim ngạch so với tháng 8/2010. Nếu so với tháng 9/2009 thì giảm 58,4% về lượng và giảm 49,2% về giá trị.


Tháng 9/2010, sản xuất phân bón của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, sản lượng phân bón hóa học sản xuất trong nước tháng 9/2010 đạt 196,1 nghìn tấn, giảm 9,5 nghìn tấn (tương đương 4,6%) so với tháng trước, nhưng lại tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng phân bón hóa học sản xuất trong nước đạt 1,96 triệu tấn, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2009 do lượng phân bón sản xuất trong những tháng đầu năm ở mức thấp.

Trong khi đó, tình hình tồn kho đối với ngành sản xuất phân bón và hợp chất nitơ không phải là lớn. Mức độ tồn kho tháng 9 so với tháng 8/2010 không có sự thay đổi lớn, chỉ tăng 7,6%. Nếu so với cùng kỳ 2009 thì tình hình tồn kho chỉ đạt mức tăng 5,8%.

Theo báo cáo triển vọng ngành phân bón của AgroMonitor công bố trong tháng 10, thị trường phân bón hiện nay cho thấy xu thế có thể thiếu hụt nguồn cung trong khi cầu có xu hướng tăng lên.

Về mặt cung, trong khi, tốc độ tăng trưởng sản xuất phân bón trong nước gần như không tăng so với cùng kỳ năm 2009, nguồn cung phân bón nhập khẩu ở mức thấp. Xu hướng nguồn cung sẽ khó có khả năng tăng trong bối cảnh các chi phí đầu vào sản xuất tăng, hạ tầng về điện thiếu ổn định, lãi suất ngân hàng ở mức cao, ngoài ra tỷ giá đồng Việt Nam giảm so với USD và tiếp cận ngoại tệ gặp khó sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu phân bón. Các sức ép về chi phí đẩy này sẽ làm cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón ở trạng thái rất cân nhắc để tăng nguồn cung từ nhập khẩu hoặc tăng sản xuất, hoặc sẽ phải đẩy giá lên cao.

Trong khi về phía cầu, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng phân bón dự kiến sẽ tăng mạnh theo tính chu kỳ vào những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, cộng với chỉ số tồn kho năm 2010 không tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009 thì có thể thấy những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2010 nguồn cung phân bón đang trong trạng thái hạn hẹp. Có nhiều khả năng giá phân bón tại thị trường trong nước sẽ trong xu hướng tiếp tục tăng lên chứ không dừng lại như ở mức hiện nay.

Nguồn: