"/>
Quốc hội chiều 21/6 đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 6 tháng cho người đang nộp thuế ở bậc một. Đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán cũng được thông qua.
Đây là 2 quyết sách quan trọng nằm trong Nghị quyết về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ 95,79%, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ III chiều 21/6.
Theo đó, các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm. Điều đó cũng có nghĩa, các cá nhân không có người phụ thuộc sẽ được miễn thuế từ tháng 7 đến hết năm nếu thu nhập của họ dưới 9 triệu đồng. Nếu có người phụ thuộc, ngưỡng chịu thuế cũng sẽ tính thêm phần giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, nghị quyết Quốc hội cũng cho giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty).
Việc miễn thuế này cũng dự kiến được áp dụng với các đơn vị sử dụng nhiều lao động (sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội).
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu xung quanh khả năng tác động, tính công bằng… nhưng dự thảo nghị quyết vẫn đề cập đến việc miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh thuê, hộ - cá nhân giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca… Điều kiện kèm theo đối với các hộ - cá nhân này là phải giữ ổn định giá dịch vụ trong năm 2012.
Cùng với Nghị quyết 13 của Chính phủ trước đó, văn bản lần này của Quốc hội được xem là bước đi tích cực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh. Theo nghị quyết của Chính phủ, các giải pháp về thuế cũng được chú ý khi cơ quan hành pháp cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) quý II/2012 đối với doanh nghiệp nhỏ - vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Chính phủ cũng gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào Ngân sách của các đối tượng doanh nghiệp nêu trên, đồng thời giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các chủ đầu tư dự án đang có khó khăn về tài chính cũng được gia hạn nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng…
Đề xuất miễn 6 tháng thuế thu nhập cá nhân bậc một không có trong tờ trình ban đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, sau nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội, quyết sách này đã được đưa vào nghị quyết và được Quốc hội thông qua. Theo báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thăm dò bằng văn bản trước phiên biểu quyết đối với trên 360 đại biểu, tỷ lệ đồng ý với quyết định này là 85%, trong khi chỉ có khi chỉ có 55 đại biểu chưa thống nhất.
Do vậy, Quốc hội đã quyết định đưa ra chủ trương này với 3 lý do là kích thích tiêu dùng (do lương tối thiểu hiện vẫn được đánh giá là thấp so với mặt bằng giá cả), thể hiện sự quan tâm, động viên của Nhà nước. Đồng thời, hiện số người nộp thuế bậc một chiếm hơn 70% nhưng chỉ đóng góp khoảng 10% vào nguồn thu. Do vậy, việc miễn thuế cho đối tượng này chỉ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.900 – 2.000 tỷ đồng, không tác động lớn đến cân đối chi tiêu.
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân từng được áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2009 để đối phó với những khó khăn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quy mô đợt miễn giảm lớn hơn so với hiện nay (thực hiện đối với tất cả các bậc thuế). Tổng số tiền được miễn tại thời điểm đó, theo tổng kết của Bộ Tài chính, lên tới gần 5.500 tỷ đồng.
Tại kỳ họp lần này, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán. Tuy nhiên, theo Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ giảm giá, trong khi ngân sách chưa có nguồn bù đắp. Do vậy, nội dung giảm VAT chưa được đưa vào nghị quyết lần này.
Bậc thuế | Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) | Thuế suất (%) |
1 | Đến 5 | 5 |
2 | Trên 5 đến 10 | 10 |
3 | Trên 10 đến 18 | 15 |
4 | Trên 18 đến 32 | 20 |
5 | Trên 32 đến 52 | 25 |
6 | Trên 52 đến 80 | 30 |
7 | Trên 80 | 35 |