"/>"/>

Thủ tục hành chính làm nản lòng nhà đầu tư

08:51 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Tám, 2013

Thủ tục hành chính rườm rà trong các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thuế, đất đai tài nguyên môi trường… là những “nút thắt” cần được tháo gỡ trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh...

Ngày 20/8, với tư cách là thành viên Ban cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư".

“Ma trận” quy trình thủ tục hành chính

Việc thực hiện các dự án đầu tư hiện nay được áp dụng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo đó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh với việc xóa bỏ một loạt hàng rào cản đầu tư không phù hợp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn bản pháp luật đã nảy sinh nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định chồng chéo, văn bản hướng dẫn không đồng bộ dẫn đến việc các địa phương khác nhau, trình tự đầu tư khác nhau.

Theo kết quả khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI thực hiện công bố tháng 3/2013 vừa rồi tại 8.053 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và 1.540 doanh nghiệp FDI thì thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng là nhóm thủ tục được đánh giá phiền hà hàng đầu cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Đình Cung- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thủ tục hành chính hiện nay phiền hà, rắc rối đặc biệt là trên lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. “Chúng ta muốn có những cải cách mang tính đột phá thì phải cải cách nhanh trên quy mô lớn. Phải tìm ra điểm nhấn để đo lường sự thay đổi, cải cách”, ông Cung nhấn mạnh.

Hiện nay, các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư khá nhiều và phức tạp, không rõ thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau. Bản thân việc thống kê các thủ tục hành chính mới được thực hiện một cách riêng lẻ, chưa có sự xâu chuỗi thành quy trình cụ thể ở cấp độ quốc gia. Riêng giai đoạn đầu tiên khi bước vào thị trường đã bao gồm ít nhất 18 thủ tục hành chính “con” chính thức trong bốn lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng.

Điều này khiến cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang phải dành nhiều công sức để tìm hiểu và thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư. Nhà đầu tư và doanh nghiệp rất khó có thể xác định phải bắt đầu từ thủ tục nào, do mỗi địa phương áp dụng một quy trình khác nhau.

Chẳng hạn, đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư tại Hà Tĩnh để được nghiên cứu lập dự án thì nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục theo trình tự từ chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư đến Quyết định cho phép khảo sát và phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư. Ở Hà Nội, nhà đầu tư lại phải thực hiện theo trình tự lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Còn tại Thừa Thiên- Huế, nhà đầu tư phải thực hiện theo trình từ từ Chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án, cấp chứng chỉ quy hoạch đến chấp thuận cho phép triển khai dự án…

Ngoài ra, yêu cầu thông tin hồ sơ giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn có sự trùng lắp, thậm chí phải đáp ứng những yêu cầu phức tạp hơn quy định.

"Có một thực tế là hiện nay giữa các cơ quan nhà nước khác nhau chưa có sự chia sẻ thông tin cần thiết về hồ sơ của nhà đầu tư. Ngay cả trong một cơ quan sở ngành có nhiều thủ tục hành chính khác nhau tại phòng ban khác nhau thì nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ mà thành phần bao gồm nhiều loại hồ sơ lặp lại, thậm chí phải nộp cả giấy phép là sản phẩm của chính sở ban ngành đó đã ban hành từ một thủ tục hành chính trước đó khi thực hiện thủ tục hành chính khác”- ông Đậu Anh Tuấn- Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Khoái cũng bày tỏ bức xúc, các thủ tục hành chính khá phức tạp. Hiện, doanh nghiệp có dự án về trung tâm ứng dụng châm cứu Việt Nam từ năm 2007 nhưng cho đến nay vẫn chưa xử lý xong các thủ tục để tiến hành đầu tư.

Rõ ràng, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang đứng trước những “ma trận” quy trình thủ tục hành chính tại địa phương khác nhau khi thực hiện dự án đầu tư. Điều đó khiến cho nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp dễ nản lòng nếu như sự hấp dẫn về cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh, thành phố không đủ lớn trước những “rào cản” về mặt quy trình rất phức tạp này.

Hệ thống hóa quy trình thủ tục hành chính

Nếu như trước đây, Việt Nam từng là nơi thu hút hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài và ở ASEAN thì hiện nay chúng ta đang có một vị trí khá khiêm tốn.

Vì vậy, theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, để tiếp tục tăng cường năng lực cạnh tranh trên lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước thì Luật Đầu tư sửa đổi và các văn bản có liên quan phải đảm bảo được tính hấp dẫn, công bằng, minh bạch và thống nhất cho các nhà đầu tư.

Đại diện Bộ Tư Pháp cũng đề ra một số đề xuất giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, đó là chuẩn hóa, cụ thể hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và Chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất.

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2015 chưa thể sửa được nhiều Luật có liên quan, “điều mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp cũng như các địa phương hiện nay là sớm ban hành thông tư liên bộ tức là hệ thống hóa hợp lý toàn bộ quy trình thủ tục hành chính tạo điều kiện UBND tỉnh, thành phố ban hành quyết định cụ thể” - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Ninh kiến nghị.

Như vậy, việc thiết kế và triển khai áp dụng được một “bộ thủ tục hành chính” cho chu trình thực hiện hiệu quả quá trình đầu tư của doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết những “chồng chéo”, “xung đột” và thiếu trình tự mang tính chu trình đang tồn tại hiện nay trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Nguồn: