"/>"/>

Thuế thu nhập doanh nghiệp: Đừng vội phân biệt đối xử!

01:02 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Mười Hai, 2012

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý và các chuyên gia, luật gia, luật sư. Ban soạn thảo đã có một ý tưởng mới: Phân biệt thuế suất thuế TNDN theo quy mô doanh nghiệp.

CôngThương - Tiết 1 khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung sửa Điều 10 của Luật Thuế TNDN hiện hành như sau: “Thuế suất thuế TNDN là 23%. DN có quy mô vừa và nhỏ sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là số lao động và tổng doanh thu bình quân của 2 năm trước liền kề và được áp dụng ổn định cho mỗi giai đoạn 2 năm, kể từ năm áp dụng”.

Đây là một ý tưởng tốt, rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chính sách này sẽ tác động tới phần lớn các DN hiện nay, bởi theo một thống kê, hiện nay có tới hơn 80% DN đang hoạt động là DNNVV. Đó cũng là chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, chưa nên áp dụng sự “phân biệt đối xử” như trên ngay trong giai đoạn hiện nay, hay nói các khác, nếu áp dụng từ năm 2014 sẽ là hơi vội vàng.

Không ai phủ nhận vai trò quan trọng của các DNNVV trong nền kinh tế. Song, để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chúng ta lại rất cần có những DN có quy mô lớn, ứng dụng phương thức quản trị hiện đại. Vì vậy, phân biệt thuế suất thuế TNDN như nêu trên sẽ... “khuyến khích ngược”. Các DNNVV không có động lực để lớn hơn lên, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng chia tách DN từ quy mô lớn thành nhiều DNNVV. Trong điều kiện các DN Việt Nam hiện nay phần lớn là DN gia đình, việc chia tách đúng luật hoàn toàn có thể xảy ra. Và, đó là điều chúng ta không mong đợi.

Ở các nước phát triển, việc áp dụng thuế suất phân biệt như nêu trên (hoặc rất ít) gây ra tác động ngược. Bởi, các DN có quy mô lớn đã thực sự lớn, là những tập đoàn đa quốc gia. Do đó, việc chia nhỏ DN để được hưởng thuế suất ưu đãi là điều không dễ thực hiện. Vì vậy, không phải biện pháp nào đã và đang thực hiện ở các nước trên thế giới đều có thể “nhập khẩu” vào nước ta.

Cho đến nay, tiêu chí để xác định DNNVV ở nước ta chưa có sự thống nhất. Nghị định 56/2009/ NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ quy định: DNNVV là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật, được chia thành ba cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa, theo quy mô tổng nguồn vốn (tổng nguồn vốn tương đương tổng tài sản được xác định trong bảng cân đối kế toán của DN) hoặc số lao động bình quân năm (tổng nguồn vốn là tiêu chí ưu tiên).

Định nghĩa trên chưa hoàn toàn chính xác. Bởi, không phải trong mọi trường hợp, chỉ tiêu tổng tài sản đã phản ánh đúng năng lực thực sự của DN. Chẳng hạn, một DN nếu xét theo vốn điều lệ sẽ là DN nhỏ, nhưng DN vay tiền đầu tư với số lượng lớn nên xét theo tổng tài sản, lại là DN lớn. Song, hệ số vốn vay trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro về tài chính của DN càng cao.

Dự thảo Luật dự kiến phân loại DN theo số lao động làm toàn bộ thời gian và doanh thu. Hai tiêu chí này đã thực sự hợp lý? Chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này. Do đó, nếu có sự phân biệt về thuế suất như dự thảo Luật, sẽ không tránh khỏi sự vận dụng tùy tiện nhằm lách luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo bước đột phá với thuế suất phổ thông là 20%. Với thuế suất này, các DN sẽ có tích lũy cao hơn để tái đầu tư. Và, chắc chắn rằng, các DNNVV sẽ trở thành DN lớn, các DN lớn sẽ lớn hơn để trong tương lai, Việt Nam sẽ có những tập đoàn kinh tế thuộc khu vực tư nhân sánh ngang với những tập đoàn lớn như: Samsung, IBM, Toyota, Honda...

Song, cũng có ý kiến lo ngại về giảm thu ngân sách với việc hạ thuế suất từ 25% xuống 20%. Việc giảm thu ngân sách có thể xảy ra trong năm đầu thực hiện. Nhưng với thuế suất thấp hơn, số DN thành lập sẽ nhiều hơn và thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế, số thu ngân sách từ thuế TNDN chắc chắn sẽ tăng lên. Thực tế của những lần điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN đã chứng minh điều đó. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2009 đến 2011, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và có sự điều chỉnh giảm mức động viên thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống còn 25% nhưng số thu từ thuế TNDN vẫn tăng qua các năm, góp phần bảo đảm số thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho phát triển kinh tế- xã hội.

Hạ thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống còn 20% là biện pháp quan trọng để nuôi dưỡng nguồn thu. Trong bối cảnh các DN đang gặp những khó khăn rất lớn như hiện nay, điều đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, phục hồi niềm tin cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.

Nguồn: