Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hoàng Trung khẳng định: Cục đang hoàn tất mọi thủ tục để trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ 3 hoạt chất có trong thuốc BVTV gồm Fipronil, Chlorpyrifos và Glyphosate ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hằng năm Cục BVTV sẽ rà soát, xem xét để trình Bộ NNPTNT loại khỏi danh mục được phép sử dụng nhiều hoạt chất độc hại để bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường.
Loại bỏ những hoạt chất có độc tính cao
Theo ông Hoàng Trung, trong năm 2017, Cục BVTV đã tham mưu cho Bộ NNPTNT loại bỏ 6 hoạt chất và đây là động thái để từng bước loại bỏ những hoạt chất ít hiệu quả và các hoạt chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. “Mới đây nhất, ngày 28.8.2018, trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Cục BVTV, Bộ NNPTNT đã quyết định loại bỏ thêm 4 hoạt chất ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide. Việc loại bỏ này được thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật, đó là loại thuốc độc nhóm 2, ảnh hưởng sức khoẻ con người, ảnh hưởng môi trường, có những loại thuốc có hiệu lực sinh học thấp” - ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hoàng Trung, hiện nay Việt Nam có 385 hoạt chất BVTV đơn và hơn 1.000 hỗn hợp các hoạt chất. Cục BVTV đang tiếp tục rà soát, loại bỏ bớt hoạt chất kém hiệu quả, đặc biệt là những hỗn hợp BVTV kém an toàn với con người và môi trường. Cục BVTV sẽ tiếp tục trình Bộ trưởng Bộ NNPTNT xem xét loại bỏ 3 hoạt chất khác gồm Fipronil, Chlorpyrifos và Glyphosate. Đặc biệt, hoạt chất Glyphosate (trong thuốc diệt cỏ) được cảnh báo gây ung thư dù đang nhiều tranh cãi nhưng trên tinh thần lấy sức khỏe người dân xem xét, nên loại bỏ khỏi danh mục.
Thực hư thông tin mỗi năm đổ 100 tấn thuốc trừ sâu xuống ruộng đồng
Cũng theo Cục trưởng Hoàng Trung, bên cạnh Glyphosate là hoạt chất đang gây nhiều tranh cãi, một hoạt chất khác là Chlorpyrifos cũng rất độc. Điều đáng nói là hiện người dân, đặc biệt là nông dân các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng liều lượng sử dụng vì sâu bệnh đã thể hiện tính kháng thuốc. “Một số nước trên thế giới đã đưa Chlorpyrifosn vào danh sách cấm sử dụng. Việt Nam cũng sẽ loại bỏ trong thời gian tới. Hoạt chất thức ba Fipronil là hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại, cũng sẽ loại bỏ. Việc loại bỏ các hoạt chất không đảm bảo chất lượng sẽ được làm liên tục qua các năm” - ông Hoàng Trung nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hoàng Trung, trung bình hằng năm Việt Nam nhập khẩu, kinh doanh, buôn bán, sử dụng khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, khoảng 32-40% số thuốc được nhập khẩu, sau đó gia công và xuất đi các nước khác, không sử dụng trong nước. 10% là các loại thuốc xông hơi khử trùng dùng để xử lý hàng nông sản trước khi xuất khẩu nhằm diệt các loại bệnh trên nông sản. Đây là quy trình bắt buộc phải làm trước khi đưa hàng đi xuất khẩu. Vì vậy thực tế, mỗi năm chúng ta chỉ sử dụng khoảng 30.000 tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh. Vì vậy, thông tin cho rằng mỗi năm nông dân trút xuống ruộng đồng 100.000 tấn thuốc trừ sâu là không đúng.
Thông tin thêm về hóa chất BVTV “xách tay” được “cõng” lậu qua biên giới, ông Hoàng Trung cho rằng, tình trạng buôn bán lậu thuốc BVTV ngoài luồng đã được dẹp bỏ khá hiệu quả thông qua các đợt ra quân truy quét của các lực lượng chức năng. Từ năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã tăng cường các tổ công tác rà soát dọc các tỉnh biên giới và có thể khẳng định: Chưa bao giờ có đường dây buôn lậu thuốc BVTV lớn nào. Việc buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ phiên vùng biên một vài can (dạng lỏng - PV), một vài gói của người dân vùng biên là có, bán không hết lại xách về mai bán tiếp, chứ không có tình trạng buôn lậu thuốc BVTV theo quy mô. Đối với các trường hợp này, các lực lượng chức năng làm rất gay gắt “một gói cũng bắt” nên tình trạng buôn lậu thuốc BVTV gần như không có.
Về vấn đề lạm dụng hóa chất BVTV, nhiều người mua thuốc BVTV về còn tự ý tăng nồng độ thuốc cao hơn khuyến cáo hoặc pha trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun... Một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng miền núi, sâu xa, người dân còn khá mơ hồ về các đối tượng dịch gây hại, về việc sử dụng thuốc BVTV 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách) cũng như việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Phần lớn nông dân thường vứt bỏ vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng ngay tại nơi phun thuốc; nông dân thường rửa bình phun thuốc BVTV ngay trong kênh nội đồng hoặc trong các mương, ao trong ruộng. Nước thải từ việc rửa các dụng cụ phun thuốc được đổ ngay trong ruộng. Những người còn lại mang bình phun thuốc rửa và đổ nước thải trực tiếp trong kênh mương. Thói quen này đã đưa một dư lượng thuốc BVTV đáng kể vào nước trong kênh mương, gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Nguồn: Laodong.vn