Trước quá nhiều bất cập từ khi thực thi (1/1/2015), cử tri tiếp tục đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến.
Cử tri kiến nghị sửa đổi Luật thuế 71 cho phân bón
Cử tri các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định... vừa đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật thuế 71) để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón.
Cử tri các tỉnh cho rằng hiện nay, mặt hàng phân bón sản xuất trong nước không thuộc danh mục các mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, về chính sách thuế giá trị gia tăng, ngày 27/9/2022, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQH về Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tại thông báo này, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát nhưng chưa có đề xuất đưa dự án vào chương trình cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, năm 2023; đồng thời cần bảo đảm yêu cầu chất lượng, thứ tự ưu tiên và tính khả thi của chương trình.
Thực hiện theo Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQH nêu trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp và người nông dân
TS. Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra con số ước tính: với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5%. Theo một tính toán thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Khi không được khấu trừ thuế, các đơn vị sẽ suy giảm khả năng cạnh tranh, thị phần phân bón trong nước sẽ giảm.
TS. Phùng Hà cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Việc sửa Luật thuế 71 đưa phân bón trở thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại bốn mục đích rất tích cực cho ngành phân bón. Thứ nhất, Nhà nước không bị thất thu thuế với mặt hàng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam như hiện nay. Thứ hai, tạo sân chơi công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. Thứ ba, việc áp thuế GTGT đồng thời tạo sự bình đẳng, lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp phân bón trong nước khi tham gia đấu thầu quốc tế. Điều này cũng sẽ giúp cho đông đảo bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Đặc biệt là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Sau hơn 7 năm thực hiện Luật thuế số 71 này, nhiều nghiệp phân bón trong nước đã “ngấm đòn”. Mỗi năm, chi phí không được khấu trừ đầu vào của Supe Lâm Thao khoảng 100 tỷ đồng.
Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên 6 - 7% và bắt buộc phải tính vào giá bán, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Ông Hồng cho biết. “Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi có kiến nghị là cần thúc đẩy sửa Luật thuế này, làm sao để có mức áp thuế phân bón một cách hợp lý nhất, nên đưa về 4 - 5% để đảm bảo cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước”, ông Hồng đề xuất.
Với sự điều chỉnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ duy trì sản xuất và chính bà con nông dân cũng được hưởng lợi, tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là Công ty sẽ bình ổn được lượng cung cầu phân bón, tránh phụ thuộc và phân bón nhập khẩu từ nước ngoài.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận định: Vấn đề có tính chất cơ bản và lâu dài cần được “gỡ” từ năm 2015 đến nay đó chính là kiến nghị Bộ Tài chính trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) sang đối tượng chịu thuế GTGT.
Hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 8%.
Mỗi năm, tính riêng số tiền các đơn vị sản xuất phân bón của VINACHEM không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng. Con số này đã lên tới gần 5.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.
Với hai đơn vị sản xuất phân bón lớn của Tập đoàn Dầu khí, con số còn lớn hơn nhiều: Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế. Với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) cũng vậy, từ năm 2015 đến nay, khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, Đạm Phú Mỹ không được khấu trừ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.
Thực tế, uy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015 đã nảy sinh bất cập từ khi bắt đầu thực thi đến nay. Mặc dù đã có rất nhiều phản hồi từ các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất… nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Chính vì thế, đa số ý kiến đều đồng thuận về việc chính sách thuế đối với phân bón cần có sự điều chỉnh, thay đổi phù hợp tình hình, vừa gỡ khó cho doanh nghiệp, vừa giảm gánh nặng giá phân bón cho người nông dân, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao trong 2 năm trở lại đây.