Khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ đã có tác dụng nhưng cần có thời gian để phát huy hiệu quả.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo của Vụ Kế hoạch tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng 8/2012 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/9.
Sản xuất công nghiệp và thương mại có dấu hiệu khởi sắc
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 3,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 4,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ bởi năm 2011 so với năm 2010 chỉ tiêu này đã tăng 7,3%. Tuy nhiên, xét theo từng tháng, sản xuất công nghiệp đã có nét chuyển biến tích cực.
Một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành như: khai thác dầu thô tăng 13,6%; sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tăng 9,6%; sợi và dệt vải tăng 8,0%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 9,6%; các sản phẩm từ plastic tăng 8,5%; sản xuất linh kiện điện tử tăng 29,1%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 64,1%; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 43,8%; đóng tàu và cấu kiện nổi tăng hơn 2,5 lần; sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%...
Riêng lĩnh vực chế biến chế tạo chỉ tăng trưởng 3,9% trong 8 tháng, thấp hơn nhiều so với mức 10,7% của năm 2011.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm 3,8% so với tháng 7. Nguyên nhân của đợt sụt giảm này chủ yếu do lượng dầu thô xuất khẩu giảm và do giá XK của một số mặt hàng nông sản giảm. Trong đó, xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) giảm 2,2% so với tháng 7.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK ước đạt hơn 73,35 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do xuất khẩu mặt hàng máy vi tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng. NhhuwP: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 83,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng gấp hơn 2 lần, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng gấp hơn 3 lần...
Trái với xuất khẩu, nhập khẩu trong tháng 8 lại chỉ tăng 3,5% so với tháng trước, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2011, ước đạt 9,95 tỷ USD.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 73,4 tỷ USD, tăng 6,7 % so với cùng kỳ. Trong đó, do sản xuất trong nước đang giảm sút nên kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước chỉ đạt gần 34,86 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ, chiếm tỉ trọng gần 47,5%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng 25,5% so với cùng kỳ do nhập nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất và gia công lắp ráp, chiếm tỷ trọng 52,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Thị trường hàng hóa trong nước đã bắt đầu khởi sắc với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong 8 tháng đầu năm ước đạt 1.517,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ yếu tố tăng giá thì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 8 tháng tăng 6,8%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Tập trung giải quyết vướng mắc, tạo đầu ra cho doanh nghiệp
Hàng tồn kho vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải khi chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm ngày
Điều đó cho thấy khó khăn của các doanh nghiệp tuy từng bước được tháo gỡ nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Tạo đầu ra cho doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho là hiện đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Từ thực tế tại địa phương, ngành hàng, nhiều ý kiến, đề xuất đã được đưa ra tại cuộc họp giao ban nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VAS) cho rằng: hiện cái khó của ngành thép không phải là thiếu vốn mà là đầu ra, không tiêu thụ được thì lãi suất thấp cũng không dám vay. Nghiêm trọng hơn, hiện thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, đặc biệt là thép giá rẻ từ Trung Quốc, do những sản phẩm nhập khẩu này khi vào Việt Nam đã sử dụng "tiểu xảo" lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh tranh không lành mạnh. ông Nghi kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm tạo đầu ra cho thép bằng cách tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công, phục hồi thị trường bất động sản; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế thép nước ngoài tràn vào Việt Nam...
Ở một góc độ khác, bà Mai Thị Ánh Tuyết- Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, từ kinh nghiệm của An Giang, việc xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối, gắn doanh nghiêp với người sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, tạo được đầu ra ổn định cho hàng nông sản. Bà Tuyết cũng kiến nghị nên xem xét lại vấn đề hạn chế số lượng đầu mối xuất khẩu gạo. Theo bà, quy định chỉ được 100 đầu mối xuất khẩu gạo là chưa hợp lý bởi có nhiều doanh nghiệp có khả năng đầu tư mở rộng kho bãi, hoặc đã đầu tư nhưng không thể xin được giấy phép, gây lãng phí và hạn chế doanh nghiệp. Đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào “khuôn khổ” là cần thiết, song nên chăng siết các quy định, điều kiện cho phép tham gia hoạt động này thay vì giới hạn một con số cứng nhắc, bà Tuyết nêu quan điểm.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh- Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét, đề xuất kiến nghị với Chính phủ không khống chế số lượng đầu mối, mà nên căn cứ vào điều kiện kinh doanh và thành tích xuất khẩu, nếu doanh nghiệp không xuất khẩu tối thiểu 6.000 tấn/năm thì sẽ không được cấp phép hoặc thu hồi giấy phép, tránh tình trạng một số DN không xuất khẩu hoặc xuất khẩu ít nhưng cố giữ giấy phép, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Trước những ý kiến, kiến nghị của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho hay, Bộ tiếp tục chỉ đạo các vụ chức năng thực hiện tốt chỉ thị 13/CT-BCT được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký ban hành ngày 17/8/2012. Thứ trưởng yêu cầu các vụ chức năng của Bộ phải nghiên cứu giải quyết kịp thời những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, tạo đầu ra cho doanh nghiệp. Cụ thể, nghiên cứu cơ chế xuất nhập khẩu, vấn đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. thứ trưởng cũng yêu cầu các Tập đoàn, tổng công ty phải khẩn trương đẩy mạnh công tác tái cấu trúc theo định hướng của Chính phủ tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục còn nhiều thách thức. Để có thể thực hiện được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra thì các cơ quan, đơn vị, hiệp hội và doanh nghiệp cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho; tập trung kiềm chế lạm phát; tích cực và chủ động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nhất là xúc tiến thương mại biên giới, hải đảo.