Thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp phân bón Việt Nam không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, giữa áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bức tranh quý I kém sắc
2022 là năm bội thu của ngành phân bón khi nằm trong top các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, toàn ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2023, cả nước xuất khẩu 131.913 tấn phân bón, đạt 48,48 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và giảm 11,2% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu phân bón của Việt Nam giảm lần lượt 22% và 51%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 537.269 tấn phân bón, đạt 232,16 triệu USD, giảm lần lượt 17,1% về lượng và 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm này cũng phản ánh rất rõ vào kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp khi lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí ghi nhận tình trạng lỗ.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã: DHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt gần 1,2 ngàn tỷ đồng, sụt giảm 39% so với cùng kỳ; sau khi trừ chi phí Đạm Hà Bắc lỗ gần 130 tỷ đồng trong quý I/2023, trong khi cùng kỳ lãi tới 868 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân thua lỗ, Lãnh đạo Công ty cho biết, giá dầu, giá than cũng như vật tư, nguyên liệu đầu vào liên tục giữ ở mức cao dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao; trong khi đó, tình hình tiêu thụ của doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn do giá Urê và NH3 trong nước liên tục giảm mạnh theo giá thế giới. “Nhu cầu trong nước thấp, tiêu thụ khó khăn; lượng hàng tồn kho cao; cạnh tranh với phân bón ngoại ngày càng gay gắt; kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng tới các đối tác thương mại lớn, từ đó làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có phân bón” - ông Ninh lý giải.
Nhận định về tình hình xuất khẩu phân bón của năm 2023, TS. Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, quý I cũng như cả năm 2023 sẽ là một năm khó khăn với xuất khẩu phân bón.
“Tình hình xuất khẩu phân bón những tháng đầu năm của Việt Nam gặp khó khăn. Giá phân bón, nhất là giá ure xuống thấp khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hàng tồn kho nhiều, thậm chí càng xuất khẩu càng lỗ. Nếu như thời điểm tháng 1/2022, giá ure xuất khẩu lên tới xấp xỉ 1.000 USD/tấn, các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu thuận lợi, thu được lợi nhuận lớn thì đến hiện tại, giá ure xuất khẩu chỉ còn khoảng trên dưới 400USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không có lợi nhuận”- ông Hà cho biết.
Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng
Ngoài những khó khăn khách quan của thị trường, doanh nghiệp phân bón Việt đang phải gánh chịu những khó khăn, bất lợi khác đến từ chính sách thuế đối với mặt hàng này. Theo TS. Phùng Hà, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.
Nghiêm trọng hơn là chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là urê đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
Một phần nguyên nhân là do họ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước lao đao vì sức ép cạnh tranh.
Ngoài ra, kể từ tháng 9/2022, thuế tự vệ đối với DAP không còn hiệu lực. Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng sau đó, lượng phân bón DAP nhập khẩu vào nước ta đã gấp đôi so với 8 tháng trước của năm 2022. Điều này cũng đang tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đối với ngành phân bón trong nước, khiến hàng tồn kho DAP tăng lên rất nhiều.
Song song với đó, vừa qua, Bộ Tài chính có ý kiến áp thuế 5% với mặt hàng phân bón xuất khẩu, tiếp tục gây áp lực với sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. “Việc áp thuế xuất khẩu 5% sẽ ảnh hưởng lớn đối với sản xuất phân bón, do sản xuất phân bón đang dư thừa công suất, khi áp thuế xuất khẩu 5% sẽ làm giảm sức cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan khi xuất khẩu vào các nước trong khu vực” - ông Hà cho hay.
Để giải quyết khó khăn, các doanh nghiệp phân bón đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục áp dụng thuế phòng vệ đối với mặt hàng DAP nhập khẩu; đồng thời sớm có những sửa đổi quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp và nông dân.
Bên cạnh việc gỡ khó từ chính sách, các chuyên gia cho rằng, giữa áp lực cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Nghĩa là, phải đi đều “hai chân” vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để tạo lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước, vừa tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ, đưa sản phẩm Việt vươn rộng ra thị trường quốc tế.
Lãnh đạo Công ty cho biết, trong bối cảnh tình hình tiêu thụ phân bón chưa có nhiều khởi sắc, đơn vị đã điều tiết hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, Đạm Hà Bắc đã chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn hàng đủ về lượng và đa dạng chủng loại cho nhu cầu tiêu thụ vụ mùa tới của thị trường trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng của khu vực ASEAN và châu Á. “Việc điều tiết hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời nâng cao hình ảnh thương hiệu Đạm Hà Bắc trong mắt bạn hàng nước ngoài, củng cố mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới”.