Với việc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhất quyết tăng giá than, các doanh nghiệp phân bón cho biết, họ cũng đang cân nhắc lộ trình tăng giá bán phân bón cho nông dân.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Như NTNN đã phản ánh trước đó, TKV đã có Công văn số 849 gửi cho 3 nhóm khách hàng tiêu thụ than lớn gồm xi măng, giấy, phân bón thông báo việc điều chỉnh giá bán than được tăng thêm 10% so với giá bán hiện hành, thời gian áp dụng từ ngày 24.2. Sau khi nhận được công văn trên, các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón đã có buổi làm việc với TKV và TKV vẫn bảo lưu quan điểm, nhất quyết tăng giá than.
Theo các DN phân bón, việc tăng giá bán than sẽ đồng nghĩa với chi phí đầu vào sản xuất phân bón sẽ tăng. Ông Phạm Mạnh Ninh- Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho rằng: “Chỉ trong 10 tháng, mà TKV đã tăng giá bán than 3 lần, tổng cộng tăng thêm 1,2 triệu đồng/tấn là quá cao, tần suất tăng cũng quá nhanh. Điều này sẽ tạo sức ép rất lớn về chi phí đầu vào cho nhà sản xuất phân bón, trong khi đó giá phân lân nung chảy đầu ra tăng rất khó. Bởi nếu tăng lên, bà con nông dân sẽ không mua hoặc giảm sức mua”. Theo tính toán của ông Ninh, riêng năm 2012 chi phí than của công ty này sẽ tăng thêm 80 tỷ đồng.
Công ty Phân đạm Ninh Bình vừa mới sản xuất tấn phân đạm đầu tiên, dù đến hết tháng 6 nhà máy mới xong giai đoạn chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thiệu- Phó Giám đốc Công ty Phân đạm Ninh Bình đã tỏ ra lo lắng: “Hiện nay, chúng tôi đang gặp khó khăn trong vấn đề vốn đầu tư, nếu giá than tăng gấp gáp như vậy, việc sản xuất phân đạm để cung cấp cho thị trường trong nước, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.
Trước sức ép về giá than, ông Phạm Mạnh Ninh khẳng định: “Than tăng giá 10%, chúng tôi cũng sẽ tăng giá phân lân, theo đó mức tăng tối thiểu cho 1 tấn phân lân nung chảy là 100.000 đồng/ tấn”.
Sẽ gây rối loạn thị trường
Do chưa thống nhất được về việc tăng giá bán than, nên các công ty sản xuất phân bón đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ NNPTNT kiến nghị với Chính phủ không nên tăng giá than trong năm 2012. Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định: “Việc tăng giá bán than của TKV sẽ gây ra rối loạn thị trường. Nếu TKV tăng giá than, Hiệp hội sẽ ngay lập tức mở ra một cuộc họp với các thành viên, sau đó Hiệp hội sẽ đề nghị Chính phủ can thiệp”.
Còn ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Việc tăng giá than sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành, trong đó có sản xuất phân bón, đầu vào tiếp tục tăng điều đó tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh giá nông sản đang giảm mạnh như thế này, tôi thấy vô cùng lo lắng cho nông dân, cho sản phẩm của nông dân. Rồi từ vụ sau, nông dân sẽ bón phân giảm đi, đồng nghĩa năng suất và sản lượng cây trồng cũng sẽ giảm”.
Vũ Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc TKV : Tăng giá là theo lộ trình!
Trao đổi với phóng viên NTNN qua điện thoại, ông Vũ Mạnh Hùng-Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, việc tăng giá than cho các hộ tiêu thụ than lớn trong đó có phân bón không phải không theo pháp lệnh giá, áp đặt giá và bỏ qua hiệp thương giá mà chúng tôi đề xuất tăng giá than theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Việc tăng giá than cho phân bón đều có ý kiến của các Bộ như Công Thương, Tài chính rồi mới đề xuất lên. Chúng ta cũng đã thực hiện tăng giá than bán cho phân bón từng bước từ các năm trước.
Ông Nguyễn Khắc Thọ- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương): Giúp ngành than tái đầu tư (!?)
Vấn đề giá bán than chính là yếu tố khuyến khích đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì việc điều chỉnh giá bán than là vấn đề quan trọng để các doanh nghiệp ngành than có điều kiện tái đầu tư và phát triển. Thực tế hiện nay, giá bán than cho các ngành khác đã gần tiếp cận thị trường. Riêng giá bán than cho điện mới đạt 57-63% giá thị trường. Tính riêng năm 2010, doanh thu từ than bán cho điện thấp hơn chi phí sản xuất tới 3.000 tỷ đồng, năm 2011 là 5.000 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu đầu tư của Vinacomin lên đến 42.000 tỷ đồng/năm. Nếu không tăng giá bán than cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ than lớn trong nước sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch than.