Đến ngày 1/2/2016 nếu DN sản xuất phân bón nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định điều này trong phiên thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội ngày 3/11.
Khi đề cập đến vấn đề quản lý phân bón ở nước ta, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói rằng hằng năm, phân bón giả gây thiệt hại cho nhà nông và cho cả nền kinh tế hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục chưa hiệu quả, việc xử lý chưa thật nghiêm minh.
Cũng theo đại biểu Cương, hiện có tới gần 5.300 loại phân bón trong danh mục chính thức và gần 1.000 loại đã được cấp xong giấy hợp chuẩn và hợp quy, chưa kể các loại phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục, ước tính gần 1.000 loại nữa.
Như vậy thị trường phân bón Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại phân bón, gồm phân bón hóa học, phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân vi lượng, phân bón dưới rễ và phân bón lá.
Vì thế, trên thị trường phân bón Việt Nam luôn tồn tại những loại phân bón giả, phân bón nhái nhãn hiệu, thương hiệu. Đây chính là tồn tại lớn gây khó cho công tác quản lý, kinh doanh cũng như việc hướng dẫn sử dụng cho nông dân.
Lý giải về việc nước ta cần phải có nhiều loại phân bón, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết là do có nhiều loại cây trồng, mỗi loại cây trồng có yêu cầu các loại phân bón với tỉ lệ phối trộn khác nhau, cho các vùng đất, mùa vụ và giai đoạn sinh trưởng khác nhau, có nhiều cách dùng khác nhau…
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện nay ở nước ta đang cho lưu hành khoảng 5.300 tên phân bón, trong đó có 261 loại phân hữu cơ vi sinh, còn lại là phân vô cơ.
Nhận thấy số tên loại phân bón như thế là nhiều, Bộ trưởng cho biết trong hơn 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để chấn chỉnh nhưng cũng chỉ làm được những gì trong phạm vi trách nhiệm của mình (việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực do Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đảm nhiệm).
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Cương, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay để ngăn chặn tình trạng có quá nhiều loại phân bón cũng như chấn chỉnh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, hiện Chính phủ đang chỉ đạo các bộ thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có 2 giải pháp quan trọng nhất.
Một là xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại phân bón, quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hai là yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sản xuất kinh doanh. Đến ngày 1/2/2016, nếu doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ bị “đóng cửa”.
Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đang chỉ đạo thực hiện theo tinh thần đó.