Từ 1/7, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới nộp thuế
09:12 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Năm, 2013
Các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Bộ Tài chính cho biết việc thực thi Luật sẽ theo hướng đơn giản hóa về thủ tục nhưng hiệu quả.
Theo tính toán của cơ quan thuế, đến thời điểm Luật mới có hiệu lực (1/7/2013), dự kiến hơn 2 triệu người đang nộp thuế thu nhập từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh ở bậc 1, bậc 2 sẽ không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế ở bậc 3, bậc 4 cũng giảm số thuế nộp đáng kể.
Việc giảm nghĩa vụ thuế cơ bản là do mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được nâng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là từ 1,6 triệu đồng tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Như vậy, nếu một cá nhân có thu nhập chịu thuế là 16 triệu đồng tháng, theo Luật hiện hành, cá nhân này sẽ được giảm trừ gia cảnh 7,2 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 2 người phụ thuộc. Tiền thuế thu nhập cá nhân nộp một tháng là 630.000 đồng.
Nhưng theo Luật sửa đổi, cá nhân này sẽ được được giảm trừ gia cảnh là 16,2 triệu đồng/tháng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tại Hội thảo hướng tới thực thi hiệu quả Luật thuế Thu nhập cá nhân ngày 16/5, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết việc tính toán mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cũng như người phụ thuộc sẽ được hướng dẫn chi tiết, cụ thể hạn chế trường hợp dồn thu nhập sang 6 tháng cuối năm để tránh thuế. 6 tháng đầu năm thực hiện theo Luật hiện hành, 6 tháng cuối năm thực hiện theo Luật sửa đổi.
Do đó, thông tư sẽ hướng dẫn thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế là thu nhập của cả năm và việc tính hàng tháng chỉ là tạm thu. Cuối năm phải làm được việc là thu nhập cả năm chia đều cho 12 tháng, tính ra thu nhập bình quân một tháng. Thu nhập bình quân một tháng áp theo 6 tháng đầu năm tính theo giảm trừ gia cảnh của 6 tháng đầu năm.
Ngược lại, thu nhập bình quân đó, áp dụng vào cuối năm thì áp dụng theo mức giảm trừ gia cảnh của 6 tháng cuối năm.
“Hoạt động kinh doanh, chi trả thu nhập cho các cá nhân tại các doanh nghiệp và các cơ quan tiến hành bình thường, đừng như một số doanh nghiệp hiểu nhầm là dồn thu nhập lại trả vào cuối năm để tránh thuế”, ông Phụng lưu ý.“Không phải Nhà nước không biết đến việc này”.
Nội dung thứ hai được ông Phụng lưu ý là quy định về các mức tiền thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn. Thu nhập vãng lai ngoài nơi làm việc chính từ 1 triệu đồng trở lên thì khấu trừ 10%. Quy định này cũng phải hướng dẫn rõ trong thông tư và nghị định.
Một điểm băn khoăn khác là kiểm soát được người phụ thuộc. Ông Phụng cho biết, để không có gian lận, Nghị định quy định cấp mã số thuế cho người phụ thuộc. Nhờ đó, qua hệ thống có thể giám sát được việc khai thuế của cá nhân có trung thực hay không.
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng điều cần thiết trong thuế thu nhập cá nhân là phải cấp mã số thuế cho người phụ thuộc để tránh trường hợp khai trùng.
Bà Cúc cho biết, ở một số nước như Thụy Điển, khi sinh ra cơ quan thuế cấp mã số công dân và mã số này đi theo công dân đó trong mọi hoạt động từ bé đến lớn. Tại Việt Nam, việc cấp mã số theo cách này chưa thể thực hiện được nên cần cấp mã số thuế cho người có thu nhập chịu thuế và người phụ thuộc. “Mỗi người phụ thuộc chỉ khai giảm trừ gia cảnh một lần. Nếu một người bố có 10 người con thì chỉ 1 người con được khai”, bà Cúc nhấn mạnh.
Luật sửa đổi cũng quy định cụ thể các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp được loại trừ không phải tính thuế. Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích và tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành Quỹ hưu trí tự nguyện thông qua 2 cơ chế.
Cơ chế thứ nhất là cho phép cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện theo mức do Chính phủ quy định và miễn thuế đối với khoản tiền lương hưu mà cá nhân sẽ nhận được từ Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng.
Luật cũng quy định rõ hơn về thu nhập chịu thuế đối với chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, thu nhập của cá nhân về chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức đều phải tính thuế.
Luật sửa đổi này cũng phù hợp với Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm kê khai, khấu trừ thuế của tổ chức chi trả thu nhập, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin, khai thu nhập và người phụ thuộc.
Về thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, Dự thảo Nghị định đang trình Chính phủ nêu rõ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm 4 khoản.
Thứ nhất là thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
Thứ hai là thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai.
Thứ ba là thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước.
Thứ tư là các khoản thu nhập khác nhận dược từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức.
Thu nhập chịu thuế tại khoản này bao gồm cả khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người chủ sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật.