Từ “giá thị trường” đến “kinh tế thị trường”

10:00 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Mười Hai, 2010

Đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường đang được Bộ Tài chính gấp rút hoàn tất, theo đó việc quản lý và điều chỉnh giá điện, than, nước sạch... theo cơ chế thị trường có thể được thực hiện ngay từ năm 2011.

Nhưng để đề án này đi vào thực chất, vẫn còn đó một khoảng cách khá xa, khi mà các diễn biến gần đây cho thấy cơ chế mới này không dễ được chấp nhận một sớm một chiều.

Giá thị trường

Mới đây nhất, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có văn bản đề xuất tăng giá bán than cho 4 hộ tiêu thụ lớn như giấy, phân bón, điện và xi măng từ năm 2011.

Trước đó, thị trường ghi nhận việc các doanh nghiệp ngành xi măng “tố” ngành than không chịu bán than theo yêu cầu. Trước đó nữa là những tranh cãi vòng vo giữa ngành than với ngành điện, ngành phân bón hay ngành điện với các ngành sản xuất khác đã đặt ra một bài toán khó giải cho nền kinh tế.

Giá bán than cho ngành điện hiện nay, theo TKV, bằng 55-60% giá bán cho các hộ khác trong nước và bằng 36-40% giá than xuất khẩu cùng chất lượng.

Giá bán than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón, cũng theo TKV, bằng khoảng 60-62% so với giá than xuất khẩu và bằng khoảng 80% giá bán vào các hộ khác trong nước cùng chủng loại.

Chênh lệch khủng khiếp này được đảm bảo bởi lập luận rằng điện, xi măng, giấy, phân bón là những mặt hàng chiến lược, cần được sự bảo trợ đặc biệt của Nhà nước trong quá trình sản xuất.

Nhưng cũng từ đây, xuất hiện những ứng xử... thiếu tính thị trường giữa các doanh nghiệp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã và đang lên tiếng về giá bán than, nhưng nếu bây giờ đặt vấn đề rằng, Nhà nước sẽ không còn bảo trợ giá mà áp dụng chung một mức giá thị trường cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không rõ liệu EVN và Vicem có chấp nhận ngay được không?

Trong khi đó, trên bình diện kinh doanh, TKV cũng chẳng dại gì mà không tăng việc xuất khẩu than hoặc bán cho các hộ tiêu dùng khác, vì điều đó giúp họ có được doanh thu và lợi nhuận cao hơn.

Lẫn lộn vai trò

Sự lẫn lộn giữa vai trò của một doanh nghiệp luôn phải đề cao vấn đề lợi nhuận với vai trò của một công cụ giúp Nhà nước bình ổn giá cả chính là nguồn cơn của tình trạng này, và điều đáng nói là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có lối ra cụ thể.

Cuối năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009 theo đó trong năm 2011 cần xem xét điều chỉnh giá than trong cơ cấu giá bán điện cho phù hợp, đồng thời giá bán than cho các hộ xi măng, giấy, phân bón sẽ thực hiện theo giá thị trường, thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa 10%.

Bước đi đầy tính thị trường này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn câu chuyện cung ứng than lâu nay. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo tạm thời chưa điều chỉnh theo tinh thần Thông báo trên.

Theo dõi tình hình kinh tế Việt Nam trong suốt gần một thập kỷ qua, có thể thấy một câu chuyện lặp đi lặp lại. Cứ đến mỗi dịp cuối năm, khi giá cả tăng cao và gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thường sẽ có các văn bản chỉ đạo về việc kìm giữ giá cả, và các "ông lớn" quốc doanh như TKV hay EVN sẽ được yêu cầu giữ giá đầu tiên.

Trong một môi trường kinh doanh chưa thật sự thị trường như vậy, gánh nặng cuối cùng dồn về cho Nhà nước. Vừa phải chấp nhận hy sinh tài nguyên với giá rẻ, Nhà nước lại vừa phải đứng ra phân xử những tranh cãi liên miên giữa những “đứa con” của mình.

Có lẽ, hơn lúc nào hết, cần thay đổi một cách toàn diện toàn bộ câu chuyện này, bắt đầu bằng việc thực hiện nghiêm túc Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009.

Kinh tế thị trường và những câu hỏi

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã rất vất vả khi chứng minh rằng mình đang có một nền kinh tế thị trường. Nhưng, cho dù đã tiến hành hàng loạt cải cách cả trên phương diện văn bản pháp lý lẫn điều hành thực tế, vẫn còn đó nhiều đối tác chưa công nhận điều này.

Ví dụ cụ thể nhất là trong một số vụ kiện bán phá giá, Việt Nam thường thua thiệt hơn do không được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường.

Nhưng với việc tiếp tục điều hành giá bằng các văn bản hành chính, cũng như áp dụng giá không theo mặt bằng giá thế giới như đối với mặt hàng than hiện nay, hành trình để chứng minh rằng mình đang có một “nền kinh tế thị trường” thật sự hẳn còn rất dài.

Câu hỏi ở đây là liệu Nhà nước có đủ dũng cảm để hiện thực hóa tinh thần của Thông báo số 244/TB-VPCP và đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường đang soạn thảo vào thực tế cuộc sống hay không, nhất là trong bối cảnh giá cả vẫn leo thang mỗi ngày và gây áp lực lên toàn bộ đời sống nhân dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp?

Câu hỏi khác là liệu các tập đoàn Nhà nước sẽ tiếp nhận việc điều hành giá theo cơ chế thị trường như thế nào, họ có chấp nhận không và nếu chấp nhận thì tình hình giá cả của năm 2011 sẽ ra sao?

Một số báo cáo nghiên cứu hay bài viết gần đây của các tổ chức nghiên cứu hay chuyên gia kinh tế nước ngoài đã cảnh báo Việt Nam về tình trạng kinh tế thân hữu (crony economy) cũng như tác động của các nhóm lợi ích khác nhau trong quá trình hoạch định chính sách.

Câu chuyện lợi nhuận và lợi ích của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, vì thế, sẽ còn là chủ đề gây nhiều tranh luận trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, đề án điều hành giá theo cơ chế thị trường sẽ được chờ đợi như là một phép thử cho quyết tâm chính trị của Nhà nước trên bước đường “thị trường hóa” nền kinh tế Việt Nam.

Các doanh nghiệp Nhà nước có thể “sốc” trong ngắn hạn, nhưng chắc chắn về lâu dài, các nền tảng thị trường cơ bản phải được thiết lập để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có thể cạnh tranh đàng hoàng và minh bạch với nhau.

Nguồn: