Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe của nhân dân và môi trường.
Kiểm tra phân bón: 10 tháng phạt hơn 61 tỷ đồng
Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại. Tuy nhiên có một thực tế là mặt hàng phân bón đang có tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường ngày càng nhiều.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 4.891 vụ liên quan đến phân bón. Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại. Chuyển cơ quan điều tra 01 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài.
Không chỉ có mặt hàng phân bón, đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, trong 10 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng cũng kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm và xử phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng.
Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, sức khỏe của nhân dân và môi trường. Vấn đề này cũng đã được một số đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên họp Quốc hội ngày 15/11 vừa qua.
Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đưa ra dẫn chứng :"Theo theo số liệu thống kê chưa đầy đủ gần 40.000 vụ vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng được phát hiện, nhưng con số này chưa thấm vào đâu so với lượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn ngày ngày tuồn ra thị trường mặc dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát”. Đại biểu này nhận xét trên thực tế tình trạng sản xuất tiêu thụ phân bón giả ngày càng tinh vi hơn, khi “các cơ sở sản xuất phân bón giả không đảm bảo chất lượng của tỉnh này đem bán cho đại lý ở tỉnh kia với giá rẻ để thực hiện các hành vi phạm pháp”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng đồng quan điểm với đại biểu Võ Đình Tín. Ông cho rằng thiệt hại do phân bón giả và phân bón kém chất lượng cho nền nông nghiệp và cho 60 triệu nông dân là rất lớn.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) cho biết tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đang bị làm giả, không đúng như chất lượng công bố là vấn đề đang được bà con nông dân và cử tri cả nước rất quan tâm. Bên cạnh nguyên nhân suy thoái về đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong việc tạo ra những sản phẩm giả, kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính, có ý kiến cho rằng cơ chế chính sách quản lý nhà nước về phân bón còn bất cập, phức tạp chưa hiệu quả.
Đề xuất quản lý phân bón về một mối
Về mặt quản lý nhà nước, hiện mặt hàng phân bón đang do hai bộ là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Trong đó, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ còn phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý bao gồm từ khâu sản xuất cũng như cấp phép sản xuất đến công bố hợp quy và quản lý kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nước ta đang tồn tại quá nhiều loại phân bón. Riêng đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hơn 5.000 hợp quy dành cho phân bón hữu cơ và Bộ Công Thương có hơn 5.700 hợp quy khác dành cho phân bón vô cơ. “Điều này dẫn đến tình trạng thực tế thị trường chúng ta các loại phân bón rất nhiều và cơ quan quản lý nhà nước không đủ nguồn lực và điều kiện kiểm soát chất lượng cũng như hàm lượng, định lượng của các sản phẩm phân bón này”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng Bộ Công thương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều đợt cùng phối hợp làm việc và mới đây nhất đã báo cáo với Chính phủ, thống nhất đề xuất với Chính phủ xem xét giao trách nhiệm quản lý về thị trường phân bón và mặt hàng phân bón cho một cơ quan duy nhất là quản lý nhà nước.
Cùng với việc quản lý quy về một mối, cần phải tổ chức lại thị trường phân bón, đặc biệt theo hướng giới hạn lại các loại mặt hàng phân bón được sản xuất kinh doanh trên thị trường của Việt Nam; tăng cường hơn nữa hiệu lực quản lý nhà nước, đặc biệt của lực lượng quản lý chức năng để đấu tranh chống phân bón giả, chống phân bón kém phẩm chất và phân bón lậu; sớm xây dựng và hoàn thiện các khung khổ pháp lý, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn quốc gia cũng như hệ thống tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước trong phân bón.
Là một trong hai bộ quản lý về phân bón, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu hai nhóm vấn đề gồm: bất cập về định hướng sử dụng phân bón và bất cập trong trong công tác quản lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho đến nay nước ta sử dụng khoảng 10 - 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, khả năng trong nước sản xuất được 8 - 9 triệu tấn, còn hàng năm phải nhập khẩu khoảng 2 - 2,5 triệu tấn. Trong số này có khoảng 960.000 tấn phân kali, vì chúng ta không có mỏ phân kali. Ngoài ra còn phân DAP và phân SA là hai dạng phân hỗn hợp công nghệ cao, hai loại này trong nước chưa sản xuất được, còn lại chúng ta tự túc sản xuất.
Trong định hướng sử dụng trong tổng số 11 triệu tấn phân bón thì phân hữu cơ chỉ sử dụng có 1 triệu tấn, còn lại phân hóa học được sử dụng tới 90%, tương đương khoảng 10 triệu tấn. “Đây là nguyên nhân làm cho nông sản chúng ta không sạch, ngoài ra còn làm ô nhiễm môi trường, giảm độ phì của đất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trong công tác quản lý về phân bón, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trước năm 2014, nước ta quản lý phân bón theo danh mục. Khi áp dụng Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, phải chuyển cơ chế quản lý từ danh mục sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia để đảm bảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và minh bạch như hai luật đã quy định. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202 để tập trung chuyển trạng thái quản lý từ danh mục hành chính sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và khi giai đoạn chuyển giao đã nảy sinh một số vấn đề bất cập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phải định hướng lại sử dụng phân bón theo hướng hữu cơ; quản lý phân bón cũng phải định hướng vào phân hữu cơ để từng bước chuyển sang nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra cần hoàn thiện dần về mặt quy chuẩn phục vụ cho công tác quản lý cũng như chấn chỉnh cơ quan quản lý về vấn đề phân bón.
Nguồn: Congly.vn