Việt Nam liệu quay lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ?

11:55 SA @ Thứ Tư - 03 Tháng Tư, 2013
Số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê cho thấy tăng trưởng GDP quý I/2013 ước tính tăng 4,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực công nghiệp và xây dựng, vốn chiếm 40% nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng 4,93% trong quý I, so với mức 5,15% cùng kỳ năm năm 2012.

Điều này đồng nghĩa với việc năm 2013 rất có thể là năm thứ ba liên tiếp mà Việt Nam tăng trưởng chưa đến 6%.

Với dân số hơn 80 triệu người mà tăng trưởng kinh tế chỉ đạt được như vậy có thể coi là thấp. Mức tăng trưởng của Việt Nam chậm lại đang gây thêm áp lực tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và việc tăng cường giải quyết nợ xấu là nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngân hàng Việt Nam trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế và tài chính tại Geneva (Thụy Sĩ), tiến sĩ Vũ Giản cho rằng dựa trên kinh nghiệm của những nước từng trải qua cuộc khủng khoảng, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể kiểm soát được nếu không vượt quá 20%.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây những tác động tới nền kinh tế thực, tiêu dùng giảm rõ rệt làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, thất nghiệp gia tăng, lĩnh vực dịch vụ và du lịch cũng bị thất thu nhiều.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2013 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhất là khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone).

Một số nước buộc phải điều chỉnh giảm tăng trưởng năm 2013 do tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2012 không được như mong đợi. Thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm sút dẫn đến sự trì trệ của nhiều nền kinh tế lớn.

Tiến sĩ Vũ Giản cho rằng đây cũng là thời điểm nền kinh tế Việt Nam gặp những thách thức rất lớn. Việt Nam cần chú trọng các hoạt động sản xuất hướng vào người tiêu dùng trong nước thay vì hướng ra xuất khẩu. Tạo các mẫu mã hợp nhu cầu và thời trang với người tiêu dùng trong nước để thay thế dần các hàng ngoại nhập và để người tiêu dùng không vọng ngoại nữa mà là hướng nội.

Thị trường xuất khẩu của Việt Nam còn bị thu hẹp khi kinh tế thế giới khó khăn thì càng cần phải chú trọng đến việc không để nhập siêu, duy trì cân bằng cán cân thương mại. Cần phải khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần với người tiêu dùng trong nước hơn, còn các tổng công ty nhà nước thường chỉ hướng tới các hoạt động xuất khẩu mà thôi.

Theo đó, ngân hàng nhà nước nên có chính sách tín dụng linh hoạt hơn, thực tế là giảm lãi suất ngân hàng nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay để đầu tư cho hoạt động sản xuất phục vụ thị trường trong nước thay thế hàng ngoại nhập vào Việt Nam; không nên vì vấn đề nợ xấu mà thắt chặt quá tín dụng gây ra hàng loạt vụ phá sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến, cần giữ nguyên trạng hệ thống sản xuất để khi kinh tế phát triển trở lại, thì đã có sẵn bộ máy để bắt tay ngay vào sản xuất phục vụ người tiêu dùng.

Thụy Sĩ được đánh giá là nền kinh tế rất sáng tạo với các chính sách linh hoạt giúp quốc gia này "miễn nhiễm" khỏi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế của khu vực châu Âu, kinh tế Thụy Sĩ năm 2012 vẫn đạt mức tăng trưởng 1%.

Trong giai đoạn khủng hoảng, chính phủ các nước châu Âu đã phải nhanh chóng bỏ tiền ra cứu trợ các ngân hàng hoặc công ty tài chính gặp khó khăn. Phần lớn các nước châu Âu bỏ tiền thẳng vào các ngân hàng hoặc công ty tài chính để trở thành cổ đông của những ngân hàng hoặc công ty này như các nước Anh, Pháp Bỉ. Thụy Sĩ lại có cách cứu trợ rất riêng và tỏ ra khá hiệu quả.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã cho ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ vay 60 tỷ Franc Thụy Sĩ trong vòng 3 năm để xóa những nợ xấu từ các cổ phiếu chứa các khoản nợ tín dụng nhà đất, bằng cách mở một công ty để đưa những khoản nợ xấu vào đó (UBS cũng đóng góp 10% số tiền được vay vào công ty này).

Đây là hình thức cứu trợ khác các nước châu Âu khác, có thể gọi là “trách nhiệm hóa” ngân hàng UBS. Theo thời gian, cổ phiếu có chứa các khoản nợ tín dụng nhà đất nêu trên nếu lên giá trở lại, UBS có thể bán và vẫn có thể sinh lời. Cách thức cứu trợ trên của ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ có tác dụng làm cho các ngân hàng đang gặp khó khăn hiện tại có trách nhiệm hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ngày 19/2 đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Chính sách mới này tập trung vào việc giải quyết các khoản nợ xấu phát sinh bởi các doanh nghiệp nhà nước, xem xét và củng cố các ngân hàng nhà nước bằng cách tập trung vào nhiệm vụ chính, cải thiện hệ thống thanh toán, tránh sở hữu chồng chéo và tăng tính minh bạch. Theo quyết định này, nợ xấu trong các ngân hàng sẽ được cắt giảm xuống dưới 3% dư nợ cho vay vào năm 2015.

Theo chuyên gia Vũ Giản, trong chữ “nguy cơ” khủng hoảng có chữ “nguy hiểm” và “cơ hội”. Do vậy, trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào, có nguy hiểm nhưng cũng có nhiều cơ hội cho những người biết nắm bắt đúng cơ hội để tiếp tục phát triển.

Cuộc khủng hoảng tài chính cũng là một bài học cho các Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã bỏ các ngành nghề chính thống của mình để quay sang đầu tư hay đầu cơ vào các lĩnh vực chứng khoán và bất động sản để kiếm lời nhanh hơn, nhưng với cuộc khủng hoảng tài chính và chứng khoán này họ buộc phải quay lại với ngành nghề chính thống của mình.

Chính phủ cũng cần phải có chính sách phát triển toàn diện đồng đều quanh hai trục doanh nghiệp chính của nền kinh tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước để Việt Nam có thể quay trở lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn như trước đây.


Nguồn: