Lạc quan vì nhập khẩu đã giảm, đặc biệt là trong nửa cuối tháng 4. Nhưng vẫn còn quan ngại khi mức nhập siêu vẫn cao và vượt chỉ tiêu 20% mà Quốc hội đề ra. Xét những diễn biến gần đây, có một số điểm đáng lưu ý như sau.
Thứ nhất, nhập siêu tháng 4 đã “giảm nhiệt” hơn so với dự báo ban đầu của Tổng cục Thống kê (khoảng 1,25 tỷ USD), do cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm về kim ngạch.
Trong nửa cuối tháng 4, kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì khá tốt khi đạt trên 2,7 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ khi chỉ đạt gần 3,01 tỷ USD, chỉ bằng 46% tổng kim ngạch cả tháng. Chốt lại, kim ngạch xuất khẩu tháng qua đạt trên 5,33 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng 3; kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 3,7% so với tháng trước đó.
Như vậy, nhập siêu chỉ vào khoảng 1,16 tỷ USD, tương đương so với mức nhập siêu tháng 3. Tuy nhiên, diễn biến này chưa xóa được mức nhập siêu vượt trên 1 tỷ USD đã duy trì trong hai tháng trước đó: tháng 2 là 1,33 tỷ USD; tháng 3 đạt 1,16 tỷ USD.
Thứ hai, tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm đã đạt trên 19,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2009. Về phía nhập khẩu, kim ngạch cùng thời kỳ đã đạt gần 24,4 tỷ USD, tăng tới 33,2% so với cùng kỳ, chốt lại mức nhập siêu 4 tháng qua ở con số 4,7 tỷ USD.
Khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu được rút ngắn còn 5 lần, từ mức 25 lần của quý 1. Tuy nhiên, nhập siêu đã chiếm 23,8% tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm, vẫn vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Lưu ý rằng, cùng kỳ năm 2009, Việt Nam tái xuất lượng vàng lớn, trong khi từ đầu năm đến nay, chúng ta lại nhập khẩu vàng với kim ngạch khá cao.
Thứ ba, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục duy trì mức tăng mạnh cả xuất khẩu và nhập khẩu. Mặc dù, xuất khẩu dầu thô giảm tới 48,7% về lượng và 11,6% về kim ngạch, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI 4 tháng qua đạt gần 9,26 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ và chiếm 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tương ứng, nhập khẩu của khối này đạt trên 10 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ và chiếm trên 41% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Thứ tư, xuất khẩu giảm mạnh về lượng và giá trị ở nhiều mặt hàng, đặc biệt là nông sản như cà phê, gạo, sắn; các nguyên liệu như than đá, dầu thô, xăng dầu và chất dẻo; nhưng tăng mạnh về kim ngạch ở các mặt hàng cao su, sắt thép, dây và cáp điện, phương tiện vận tải (tăng trên 100%).
Trong khi đó, nhập khẩu giảm ở các mặt hàng xăng dầu, khí đốt, phân bón và xe máy nguyên chiếc, nhưng tăng mạnh ở nhiều mặt hàng kim loại, linh phụ kiện ôtô, thức ăn gia súc, bông, lúa mỳ, cao su…
Đã có 5 mặt hàng vượt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, gồm thủy sản, gạo, dầu thô, dệt may, giày dép. Trong khi về phía nhập khẩu có tới 6 mặt hàng, gồm xăng dầu, chất dẻo, vải các loại, sắt thép, máy tính điện tử linh kiện, và máy móc dụng cụ phụ tùng.
Thứ năm, với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam (có kim ngạch xuất hoặc nhập khẩu trên 1 tỷ USD), chúng ta xuất siêu hơn 2,8 tỷ USD với Hoa Kỳ trong 4 tháng qua.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nhập siêu tới 3,66 tỷ USD từ Trung Quốc, 1,83 tỷ USD của Hàn Quốc; 1,7 tỷ USD từ Đài Loan; 1,2 tỷ USD từ Thái Lan; 561 triệu USD từ Singapore; và 342 triệu USD từ Nhật Bản.