Như NTNN đã đưa tin, Bộ NNPTNT đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 113 và Nghị định 191 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) lớn đều đồng tình với chủ trương này.
Ông Bùi Thế Chuyên -Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh - Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) nói: "Dự thảo nghị định này chắc chắn sẽ siết chặt việc quản lý chất lượng phân bón, giúp thị trường phân bón minh bạch hơn, nông dân không bị thiệt hại khi sử dụng phân bón". Theo ông Chuyên, với nghị định này, nhiều DN nhỏ lẻ làm ăn chụp giật sẽ không thể kinh doanh phân bón.
Ông Nguyễn Hạc Thúy-Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN cũng công bố một con số, hiện cả nước có tới 61 đơn vị làm phân bón kém chất lượng. Hầu hết là các DN nhỏ. Có DN chỉ cần một vụ sản xuất kinh doanh phân bón kiếm vài tỷ đồng là thôi không làm nữa; hay có DN chỉ "dựng lều" để sản xuất phân bón giả rồi bán rẻ...
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền - ông Lê Quốc Phong cũng đồng ý cho rằng: "Sản xuất phân bón ở VN đang phát triển rất mạnh. VN hiện đã có các nhà máy urê công suất hàng triệu tấn/năm, các nhà máy lân super hơn 1 triệu tấn, lân nung chảy hơn 1 triệu tấn, nhà máy NPK 4-5 triệu tấn và các nhà máy phân hữu cơ... Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh tiếp thị phân bón ở VN còn quá bất cập, qua nhiều trung gian, chồng chéo; nhiều lúc nhiều nơi cạnh tranh không lành mạnh, thổi phồng trong kinh doanh”.
Theo ông Phong, tất cả là do chưa có hành lang pháp lý nào với mặt hàng này, dẫn tới bất lợi cho nông dân trong sử dụng phân bón. Do vậy, nghị định mới được kỳ vọng sẽ giúp lập lại trật tự cho ngành phân bón, từ đó kiểm soát giá cả và chất lượng phân bón tốt hơn.
Còn ông Võ Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Sinh cũng cho rằng: “Phải xác định phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó, thống nhất một cơ quan cấp giấy phép, sau đó giải tán bớt những cơ sở sản xuất phân bón nhỏ không đủ điều kiện; có như vậy mới làm "trong sạch" thị trường phân bón.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, số lượng phân bón mà các DN nhỏ, lẻ làm ra không đáng kể nhưng lại gây nhiều hậu quả xấu bởi chất lượng sản phẩm kém. Trong khi đó, các nhà máy lớn đều không chạy hết công suất. Rồi nạn phân giả, kém chất lượng lại đang làm rối thị trường khiến DN chân chính không thể sản xuất kinh doanh. Đây chính là vấn đề cần giải quyết triệt để khi có nghị định mới.