Xu hướng chuyển đổi số trong Công nghiệp Hóa chất

02:23 CH @ Thứ Ba - 23 Tháng Sáu, 2020

Chuyển đổi số (digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức. Mục tiêu chính của chuyển đổi số là giúp gia tăng hiệu quả vận hành, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và trên tất cả là nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Ngày nay, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng toàn cầu và là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên 4.0, dù lớn hay nhỏ nhưng nếu doanh nghiệp muốn xây dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường thì không thể nói “không” với chuyển đổi số, số hoá quy trình vận hành và quản lý trong doanh nghiệp của mình.

Theo Công ty tư vấn quản lý McKinsey, trong thập niên tới phương pháp thu thập và sử dụng dữ liệu, khai thác nguồn nhân lực và tối ưu hóa giá trị tài sản của các công ty hóa chất sẽ thay đổi mạnh. Các công ty sẽ phải cải thiện hoạt động quản lý dữ liệu ở cấp nhà máy trong những năm tới, xây dựng các kho dữ liệu tại chỗ nhằm nâng cao tốc độ truyền tải và an ninh dữ liệu, phục vụ việc lập các mô hình tối ưu hóa tại từng cơ sở. Khi dữ liệu được tạo ra trong toàn bộ hệ thống sản xuất, các công ty có thể sử dụng thông tin để giảm thiểu sự cố và cải thiện dịch vụ.

Tự động hóa cũng như các công nghệ số khác được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc bố trí và sử dụng nhân công trong các nhà máy hóa chất, khi đó thời gian của những người vận hành có thể được tiết kiệm để sử dụng cho các nhiệm vụ quan trọng hơn. Yếu tố hạn chế đối với việc giảm sử dụng nhân lực trong sản xuất sẽ là các quy định về an toàn.

Tuy các công việc bảo dưỡng nhà máy hóa chất dự kiến sẽ không thay đổi nhiều trong 10 năm tới, nhưng công nghệ và các phương pháp được áp dụng để thực hiện những công việc đó sẽ thay đổi. Các nhân viên bảo dưỡng sẽ sử dụng các ứng dụng kỹ thuật số theo dòng công việc để lập kế hoạch và quản lý việc thực hiện các hoạt động, qua đó gia tăng hiệu quả và năng suất lao động. Vào năm 2030, những người vận hành trong các phòng điều khiển ở nhà máy sẽ giữ nguyên vị trí của mình, nhưng nhiệm vụ của họ sẽ thay đổi từ chỗ kiểm soát các quá trình sang cải thiện các quá trình đó.

Công ty dịch vụ tư vấn doanh nghiệp Deloitte cho rằng, thiết kế cơ bản của các nhà máy hóa chất sẽ không thay đổi nhiều trong 10 năm tới, nhưng người máy, các công cụ kỹ thuật số và phân tích tiên tiến sẽ đóng vai trò lớn hơn trong vận hành và cải thiện hoạt động của các nhà máy. Công nghệ phân tích tiên tiến sẽ được sử dụng trong các nhà máy hóa chất để tối ưu hóa hiệu suất, cải thiện độ tin cậy của các công cụ dự báo và quản lý hiệu quả quá trình kỹ thuật số trong nhà máy.

Trong bối cảnh đó, từng công ty hóa chất sẽ phải sẵn sàng áp dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của mình. Công nghệ số có thể mang lại những lợi ích lớn về gia tăng hiệu quả và tạo điều kiện tương tác với khách hàng, mở ra những mô hình hoạt động mới.

Nguồn: