Xử lý các dự án chậm tiến độ lĩnh vực Công Thương đã có tín hiệu tích cực

03:01 CH @ Thứ Sáu - 09 Tháng Sáu, 2023

Việc xử lý các dự án chậm tiến độ lĩnh vực Công Thương, đặc biệt là những dự án phân bón của Vinachem đã có những tín hiệu tích cực.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trao đổi với Báo Công Thương xung quanh nội dung này.

Xin ông cho biết công tác xử lý các tồn tại của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong lĩnh vực Công Thương đến thời điểm hiện nay như thế nào? Đặc biệt đối với 3 dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)?

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ làm Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, hạn chế của một số dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) với vai trò là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo đã quyết liệt triển khai, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đến nay đã có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã có phương án xử lý cụ thể.

Đối với 5 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, được sử dụng nguồn vốn hợp pháp để chủ động xử lý. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, một số dự án, doanh nghiệp đã làm ăn có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem, bước đầu, các doanh nghiệp này đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.

Trong đó, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Công ty vẫn nỗ lực duy trì chạy máy an toàn, ổn định, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và đạt hiệu quả cao; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình hoạt động tại Công ty đã duy trì ổn định, hiệu quả trong vận hành hệ thống máy móc thiết bị với phụ tải cao, cơ bản chủ động được vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, trả được bớt nợ cho Tập đoàn và các ngân hàng, không phải phụ thuộc vào khách hàng để ứng vốn trước mua vật tư sản xuất; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty cơ bản đã thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và kiểm soát hiệu quả các định mức so với kế hoạch, qua đó duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, cùng với 3 dự án, doanh nghiệp trên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận: Tổng doanh thu hợp nhất 58.470,97 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất 7.165,27 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.655,35 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021. Riêng các đơn vị thuộc Đề án 1468 lãi 2.723 tỷ đồng; tăng hiệu quả 2.906 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021…

Thưa ông, đâu là khó khăn mà Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gặp phải trong quá trình xử lý các dự án trên?

Qua rà soát, đánh giá tại thời điểm tiếp nhận nhiệm vụ cho thấy, đây là các dự án, doanh nghiệp có quy mô lớn, nằm trong chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, năng lượng, thép, đóng tàu và giấy đã vướng mắc, tồn tại nhiều năm và phát sinh sai phạm, khuyết điểm trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác dẫn đến tình trạng đầu tư dở dang hoặc hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên cao so với dự toán ban đầu. Hầu hết các gói thầu EPC của dự án, doanh nghiệp đều phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chưa được quyết toán, xử lý triệt để. Các doanh nghiệp, dự án vận hành được sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự, thị trường…

Tuy nhiên, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng qua các thời kỳ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự chủ động, tích cực của Ủy ban trong thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương đã có nhiều tiến triển quan trọng và đạt kết quả thiết thực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ trực tiếp kiểm tra thực địa tại Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu làm rõ vai trò và thúc đẩy các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước. Vậy, đối với 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem sẽ có kế hoạch xử lý dứt điểm như thế nào, thưa ông?

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về chủ trương, biện pháp cơ cấu lại nợ vay của VDB và chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Ủy ban đã có văn bản ngày 24/4/2023 đề xuất việc tổ chức triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị đối với 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Vinachem; ngày 8/5/202, Ban cán sự đảng Chính phủ đã có chỉ đạo và phân công các Bộ, cơ quan có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị.

Hiện nay, các Bộ, cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được phân công đang quyết liệt và khẩn trương hoàn thiện các nội dung có liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định. Dự kiến, trong tháng 6 và đầu tháng 7 các biện pháp cơ cấu lại nợ vay của VDB đối với 3 dự án, doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thành và cấp có thẩm quyền sẽ xem xét phê duyệt trong quý III/2023 làm cơ sở để Tập đoàn triển khai thực hiện.

Theo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn, phấn đấu đến hết năm 2025, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hết lỗ lũy kế; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem sẽ hoạt động ổn định và có hiệu quả; phấn đấu đến hết năm 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ hết lỗ lũy kế.

Kế hoạch xử lý dứt điểm, căn cứ vào tình hình thực tế xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, doanh nghiệp, Ủy ban sẽ rà soát, tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền để có định hướng và giải pháp tái cơ cấu phù hợp đối với từng dự án, doanh nghiệp. Do đây là các vấn đề khó, tồn tại chưa được xử lý từ nhiều năm trước nên rất cần sự phối hợp, ủng hộ các bộ, ngành để có thể phương án xử lý đạt được tính khả thi cao.

Cùng với đó, Ủy ban tiếp tục chỉ đạo để xây dựng những Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục không ngừng lớn mạnh, phát huy hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; thể hiện vai trò nòng cốt trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: