1/6/2013."/>1/6/2013."/>

Xử lý ngay nợ xấu: DN “chết” nhanh hơn

08:57 SA @ Thứ Sáu - 10 Tháng Năm, 2013

Sống lay lắt vì hàng tồn kho nhiều, cơ hội kinh doanh ít, nợ ngân hàng chưa trả được, cộng đồng doanh nghiệp đang gồng mình vượt qua khó khăn thì lại vấp phải nỗi lo về xử lý xấu theo tinh thần của Thông tư số 02 được thực hiện từ ngày 1/6/2013.

Giấy “chứng tử” của doanh nghiệp?

Trong khi nhiều ngân hàng thương mại, nhất là các ông lớn đang nỗ lực đưa lãi suất huy động xuống mức thấp để kéo lãi suất cho vay giảm sâu, từ đó đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thì thời hạn thực hiện Thông tư số 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đang đến gần. Tuy nhiên, quan điểm của các chuyên gia kinh tế và nhiều ngân hàng, thương mại cho rằng, nếu thực hiện quy định này đúng lộ trình thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ không “chết lâm sàng” mà “chết” hẳn.

Không thể phủ nhận Thông tư 02 đã tiếp cận gần hơn các thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Nói như ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước: “Việc thực hiện sẽ đưa ra bức tranh nợ xấu, về chất lượng tài sản có, phân loại mức độ rủi ro tương đối phù hợp trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay”. Khi ban hành Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận việc thực hiện những quy định trong thông tư sẽ lột tả đầy đủ, chính xác và hợp lý chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng cũng như những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thốn. Từ đó sẽ có những giải pháp để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng chuẩn mực, tích cực.

Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, nhất là giai đoạn nền kinh tế đang hồi phục như hiện nay, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của chính sách để vượt qua khó khăn nên nếu đã nhìn thấy bệnh mà lại đi đường vòng để chữa thì sẽ quá muộn.

Ở góc độ là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm phân tích: Việc thực hiện Thông tư 02 là nên làm bởi muốn cơ cấu ngành ngân hàng thì phải đánh giá đúng thực trạng. Ngoài ra, đây cũng là cách để phát triển hệ thống theo hướng bền vững và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, ông Kiêm cũng lo ngại thời điểm này mà thực hiện Thông tư 02 sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh tiếp cận vốn khó khăn, nếu phân loại thẳng thừng nợ xấu thì sẽ không còn cơ hội vay vốn, và nợ xấu của các ngân hàng cũng sẽ tăng lên rất nhiều. Đây là "đòn đánh” vào doanh nghiệp đang gặp khó, vì thế nên hoãn lại thời gian thực hiện hoặc hoãn một số chỉ tiêu theo quy định tại thông tư này”.- ông Kiêm nói.

Thẳng thắn hơn, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ: Nếu thực hiện lập tức thì sẽ có nhiều nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn "ra đứng đường"!.

Nên có lộ trình thực hiện

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Lục Lang thẳng thắn: Các ngân hàng rất thích Thông tư 02, nhưng nếu triển khai ngay thì các doanh nghiệp là người khó khăn nhất, nhóm nợ của doanh nghiệp sẽ thay đổi, định giá tài sản sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm thời gian. Nếu trong bối cảnh khó khăn hiện nay mà lại siết quy định thì rất khó cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Vì thế nên có điều chỉnh lộ trình hợp lý.

Đồng quan điểm này ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ: Ngân hàng ủng hộ Thông tư 02 bởi nó giúp hoạt động của ngành thêm rõ ràng và minh bạch, nhưng tác động đến các doanh nghiệp là cần xem lại, có lẽ cần giãn một thời gian nhất định để hỗ trợ và củng cố sức khỏe của họ.

Lo ngại tình trạng các doanh nghiệp đang phá sản nhiều, nếu thực hiện ngay Thông tư 02 thì không chỉ doanh nghiệp chết mà nợ xấu ở các ngân hàng cũng sẽ bật tăng mạnh, vì thế tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm kiến nghị, nên có sự chuẩn bị đầy đủ khi thực hiện để không gây tốn hại đến doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế. “Ngân hàng Nhà nước hãy từ từ áp dụng, thông qua các dự báo, tiêu chí, để các ngân hàng tự chỉnh, tự sửa, vừa đáp ứng yêu cầu nới ra cho doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn, qua đó xử lý nợ xấu, bước sang thời điểm tương đối sạch sẽ hơn thì chúng ta áp dụng sẽ hợp ly”- ông Kiêm bày tỏ.

Sức khỏe của doanh nghiệp và chính các ngân hàng thương mại đang phụ thuộc vào quyết định cuối của nhà điều hành thị trường là Ngân hàng Nhà nước xem lộ trình thích hợp sẽ được thực hiện khi nào, từ 1/6 hay giãn, hoãn theo một lộ trình hợp lý?

Nguồn: