Là một trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban QLVN tại doanh nghiệp, trong 5 năm qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã không ngừng vượt khó, đạt được những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của Tập đoàn và đóng góp một phần vào kết quả điều hành quản lý của Ủy ban, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp nhà nước, một Tập đoàn kinh tế quan trọng trong nền kinh tế nước nhà.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Tập đoàn) không có nhiều thuận lợi khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (Ủy ban) bởi có đến 04 đơn vị nằm trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương. Song Tập đoàn luôn có ý thức nỗ lực vươn lên, chắt chiu mọi cơ hội, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nỗ lực ấy được thể hiện mạnh mẽ trong giai đoạn 5 năm vừa qua khi bên cạnh những khó khăn do tình hình kinh tế xã hội đất nước và thế giới còn trải qua quá nhiều biến động, do tình hình xung đột giữa các quốc gia lớn và đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Tập đoàn đã đạt được những con số ấn tượng trong các năm từ 2019 đến nay, đặc biệt là năm 2022 với kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận tăng cao kỷ lục nhất trong hơn 52 năm thành lập.
Một trong những yếu tố làm nên thành công đó là do Tập đoàn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, các Bộ, Ngành, đặc biệt là Ủy ban QLV nhà nước tại doanh nghiệp. Ngay từ khi thành lập, Ủy ban luôn có sự quan tâm, lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, ban hành các chính sách gỡ khó kịp thời. Đối với những khó khăn vượt khỏi phạm vi giải quyết, Ủy ban đã nhanh chóng có công văn, kiến nghị với các bộ ngành, Chính phủ để hỗ trợ cho Tập đoàn.
Đơn cử, năm 2018, Tập đoàn liên tiếp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế thế giới, do tác động của các chính sách, quy định, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và Luật số 71/2014/QH13 tiếp tục ảnh hưởng, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Chưa kể, nguyên liệu đầu vào, vốn, cũng là những yếu tố chưa thực sự thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, 04 đơn vị khó khăn của Tập đoàn đã luôn được Chính phủ, các Bộ, Ngành, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ủy ban. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận vai trò cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đến nay, 4 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc Vinachem đã có sự chuyển biến tích cực. Dự án của Công ty CP DAP-Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án này đã được Bộ Chính trị đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả từ tháng 10/2021.
Ba dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón còn lại của Vinachem đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với thiết kế. Cụ thể, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc vẫn duy trì chạy máy an toàn, liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường; năm 2022, lợi nhuận của đạm Hà Bắc đạt 1.779 tỷ đồng, trả được 3.029 tỷ đồng nợ ngân hàng. Nhà máy đạm Ninh Bình đã duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả và cơ bản chủ động vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh. Năm 2022, Công ty này lãi 940 tỷ đồng. Còn Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, năm 2022 lợi nhuận 3,6 tỷ đồng.
Đến nay, ba dự án này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương tái cơ cấu tài chính. Đây là những yếu tố tích cực giúp các đơn vị, từng bước khôi phục phát triển để đưa ra khỏi danh sách các dự án yếu kém, thua lỗ ngàn tỉ của ngành công thương, Đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất và cung cấp một lượng lớn phân đạm urê và DAP đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần cho xuất khẩu; góp phần ổn định thị trường phân bón, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban, các Bộ/Ngành trung ương, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung tháo gỡ khó khăn; với tinh thần chủ động triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, bằng sự nỗ lực, cố gắng của Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, toàn Tập đoàn đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019, 4/6 nhóm ngành có lợi nhuận tăng; 04 đơn vị thuộc Đề án 1468 sản xuất ổn định; sản phẩm sản xuất và tiêu thụ hầu hết tăng so với năm 2018; đảm bảo các cân đối lớn về hàng hóa cho nhu cầu của nền kinh tế; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Năm 2020 và 2021 đánh dấu những khó khăn rất lớn của nền kinh tế vì ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Theo đó, nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng nhập khẩu từ các nước có dịch bệnh có những thời điểm bị thiếu nguồn cung và hoạt động vận chuyển, logistic gặp khó khăn, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu cho sản xuất, phụ tùng thay thế và đẩy giá bán tăng cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng làm đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, một số ngành sản xuất bị đình trệ dẫn đến một số nguyên liệu dư thừa, Hoạt động xuất khẩu sang một số khu vực bị đình trệ, không có đơn hàng mới trong khi một số đơn hàng cũ bị hủy làm giảm doanh thu, tăng sản lượng tồn kho.
Trong bối cảng đó, Tập đoàn đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành Tập đoàn nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nhà xưởng, tổ chức phương án đưa đón công nhân, ăn ca...với hình thức “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” và theo đúng khuyến cáo của cơ quan y tế, tránh nguy cơ phải cách ly và ngừng sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng đến bố trí lao động, giảm công suất huy động của máy móc thiết bị và năng suất sản xuất, tăng đáng kể chi phí sản xuất tại các đơn vị.
Song song với đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành Hóa chất cơ bản, Chất tẩy rửa, Thuốc sát trùng tiếp tục tổ chức và đảm bảo sản xuất các sản phẩm oxy y tế, chất tẩy rửa, sát khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, Công ty CP Hơi kỹ nghệ que hàn đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp ôxy y tế khi dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh thành phía nam, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế các địa phương. Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam đã sản xuất thành công và cung cấp ra thị trường sản phẩm Cloramin B (trước đây phải nhập khẩu 100%), đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19, phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.
Năm 2021 là năm gánh chịu tiếp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 bùng phát ở trong nước và trên thế giới đã đẩy giá nguyên liệu tăng cao, làm thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất... Tập đoàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Nhờ chủ động, linh hoạt trong các giải pháp phòng chống dịch mà các đơn vị trong Tập đoàn tổ chức sản xuất liên tục, cung ứng lượng phân bón lớn nhất từ trước đến nay trong tình hình thị trường phân bón căng thẳng về nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón cho người nông dân.
Trong năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đều vượt kế hoạch năm 2021 và tăng mạnh so với thực hiện năm 2020. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 50.409 tỷ đồng, bằng 119,6% so với kế hoạch năm 2021, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Giai đoạn 2021 –2022 là giai đoạn Tập đoàn đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh lập kỷ lục. Trong đó, 2021 là năm doanh thu của Tập đoàn đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu cộng hợp đạt 53.181 tỷ đồng, bằng 121% so với kế hoạch năm 2021, tăng 29% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 đạt 11.192 tỷ đồng, bằng 144% so với kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ; các đơn vị không thuộc Đề án 1468 đạt 41.988 tỷ đồng, bằng 116% so với kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 2.128 tỷ đồng, tăng hiệu quả 4.247 tỷ so với thực hiện năm 2020.
Trong năm 2022, bằng sự nỗ lực quyết tâm của mình, toàn Tập đoàn đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp 61.504 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch năm 2022, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu cộng hợp đạt 62.337 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch, tăng 17% so với năm 2021- là năm có doanh thu cao nhất trong 52 năm qua của Tập đoàn. Lãi 6263 tỷ đồng, tăng hiệu quả 4135 tỷ đồng so với năm 2021. Nộp ngân sách 2349 tỷ đồng, bằng 137% so với kế hoạch năm 2022.
Với kết quả đạt được, Tập đoàn đã đảm bảo việc làm cho 19.000 lao động với tiền lương bình quân 13,6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, Tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế đạt 54.549 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 57.152 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp đạt 3471 tỷ đồng
Công tác tái cơ cấu được triển khai đồng bộ tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Theo đó, Tập đoàn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 23 doanh nghiệp; tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán đối với 14 doanh nghiệp; thoái vốn thành công và thành công một phần tại 9 doanh nghiệp. Giá trị thu được là 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần là 2.948 tỷ đồng. Nguồn lực này đã góp phần giúp Tập đoàn cơ cấu lại tài chính công ty mẹ và tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Về cổ phần hóa cũng quyết liệt thông qua việc rà soát, trình cấp có thẩm quyền phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất. Tuy nhiên, các cơ sở nhà, đất của Tập đoàn cần được phê duyệt sắp xếp, xử lý lại là rất lớn, với 149 cơ sở tại 22 tỉnh, thành phố của 22 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn - nên mất nhiều thời gian trong thực hiện.
Thông qua tái cơ cấu, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như phân bón, hóa chất, cao su, điện hóa (sản xuất pin, ắc quy) để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh lương thực quốc gia. Ngoài ra, có một số sản phẩm của một số đơn vị mang yếu tố công nghiệp lưỡng dụng, vừa phục vụ cho nền kinh tế trong điều kiện bình thường, vừa có thể là cơ sở sản xuất sản phẩm phục vụ an ninh, quốc phòng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ưu tiên trả nợ cho khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình, đến nay Tập đoàn đã trả nợ gốc vay là 237,5 triệu USD, tương đương 95% giá trị khoản vay 250 triệu USD.
Tại cuộc họp Chính phủ tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao Tập đoàn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành trong tham mưu đề án tái cơ cấu tài chính cho 03 đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn. Phó Thủ tướng đáng giá công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đạt nhiều kết quả quan trọng, 02 năm liền được xếp hạng loại B, đặc biệt trong năm 2022, Tập đoàn đã rất nỗ lực, hoạt động rất hiệu quả trên tất cả các tiêu chí. Trong bối cảnh khó khăn, nhưng năm 2022 lợi nhuận gộp của Vinachem đạt trên 6000 tỷ, các nhà máy thuộc dạng yếu kém kéo dài cũng lãi trên 2000 tỷ, đây là kết quả rất tích cực, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định. Phó Thủ tướng cũng mong muốn, Tập đoàn tiếp tục nỗ lực để công tác tái cơ cấu thành công trong thời gian tới, hoạt động ổn định và phát triển.
Như vậy, dù chặng đường 5 năm qua còn những khó khăn, song Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn nỗ lực, nắm bắt mọi cơ hội để vượt qua thách thức, đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan. Đây là nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, những chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Tập đoàn đạt được những thành công mới, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong nền kinh tế đất nước./.