Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc

Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam
02:45 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Mười, 2024

Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất; đoàn kết là sức mạnh vô địch, là then chốt của sự thành công. 

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được coi trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính trong cơn hoạn nạn vì đại dịch Covid- 19, tính nhân văn của người Việt Nam được lan tỏa rộng khắp và tinh thần đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được phát huy. Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Chúng ta biết mình, biết ta, biết sự phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh nên không chủ quan. Mỗi bước đi đều căng mình trong thận trọng nhưng vô cùng quyết liệt. Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động. Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng và Nhà nước đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.  Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Nhà nước, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân…  Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng (1). 

Tinh thần đại đoàn kết của nhân dân ta đã được tỏa sáng trong đại dịch Covid-19. Tinh thần ấy lại lần nữa được thể hiện rất rõ trong cơn bão lịch sử - bão số 3 – Yagi. Cơn bão được xem là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, đã quét qua các tỉnh miền Bắc nước ta trong những ngày tháng 9/2024 để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho người dân, đặc biệt là người dân các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ…
Ngôi làng Nủ ở tỉnh Lào Cai đã bị vùi lấp, những đứa trẻ bỗng dưng mồ côi cha mẹ, một người đàn ông bỗng chốc mất hết người thân chỉ sau một đêm cơn bão quét qua... những câu chuyện đau thương đó đã lấy đi nhiều sự cảm thông và nước mắt của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nên có thể khẳng định, không chỉ bây giờ, ngay tại thời điểm này, mà sau nhiều năm nữa, cũng khó có thể xoa dịu được nỗi đau mà cơn bão Yagi quét qua đối với nhiều người dân Việt Nam.

Những mất mát, đau thương khó có thể nói hết, nhưng hơn tất cả sau những mất mát, đau thương đó là tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, tương thân tương ái của người dân Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ. Phong trào ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 diễn ra trên khắp cả nước, không chỉ các cơ quan chức năng, mà nhiều doanh nghiệp và tinh thần ấy lan tỏa đến từng người dân, thậm chí là các em nhỏ cũng chung tay chia sẻ với người dân vùng bão. Từng đoàn cứu trợ mang theo nhu yếu phẩm, lương thực và tiền hỗ trợ từ các tỉnh miền Trung, miền Nam lũ lượt kéo nhau ra miền Bắc, đến với những người dân đang phải gánh chịu mất mát trong cơn bão lũ. Những tỉnh bị thiệt hại ít hỗ trợ tỉnh thiệt hại nhiều theo tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã phần nào xoa dịu những mất mát mà người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão đang phải trải qua. Đó là những hình ảnh thật đẹp, thật ấm áp và sinh động về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Việt Nam khiến nhiều người phải thốt lên rằng: “Tôi tự hào là người dân Việt Nam”

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội nước ta. Thực hiện tốt chính sách xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể:

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. 
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn. 

Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. 

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnhvề số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, kinh doanh lành mạnh, cống hiến tài năng. Khuyến khích doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội. 

Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. 

Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Động viên cựu chiến binh, công an hưu tríphát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống. 

Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa.

Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. 

Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoàicó địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. 

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. 

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và giải quyết hài hoà lợi ích trong xã hội.

Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đáp ứng yêu cầu tình hình mới; giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong giữ gìn và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hoá cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" gắn với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". (3)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộcđã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ để khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước hùng cường và giàu mạnh./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Đoàn kết là sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19  https://doandcd.cantho.gov.vn/tin-tuc-thoi-su/doan-ket-la-suc-manh-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-314.html

(2) Tinh thần đoàn kết trong cơn bão Yagi khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư https://congthuong.vn/tinh-than-doan-ket-trong-con-bao-yagi-khien-viet-nam-tro-nen-hap-dan-trong-mat-nha-dau-tu-350966.html

(3) 
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

- Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XIII  “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.