Ngày 23/6/2023, Đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã đến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/8/2023 của Ban Bí thư.
Tiếp đoàn, về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Nguyễn Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn; Đại diện Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Ban Kỹ thuật, Văn phòng Đảng ủy, lãnh đạo Công ty CP DAP - VINACHEM và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2023 của Ban Bí thư tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, đồng chí Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn cho biết, sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã quán triệt Chỉ thị đến các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, ủy viên UBKT Đảng ủy và các đồng chí Bí thư các cấp ủy trực thuộc để triển khai thực hiện được lồng ghép thông qua nghị quyết công tác và báo cáo công tác hàng năm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể và hiệu quả, các chế độ, chính sách cho Người lao động được quan tâm và triến khai thực hiện đầy đủ theo quy định; điều kiện làm việc của Người lao động ngày càng được cải thiện, nguy cơ gây mất an toàn lao động dần được loại bỏ góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thành lập Ban chỉ đạo tổ chức tháng hành động về ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Các đơn vị đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người lao động về quy định của pháp luật bằng nhiều hình thức, tổ chức các cuộc thi: tìm hiếu kiến thức pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN; an toàn vệ sinh viên giỏi; đề xuất phương án cải thiện điều kiện lao động; xử lý sự cố hóa chất; sơ cấp cứu cho người bị tai nạn lao động...
Tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ cấp Tập đoàn, Công ty nhằm phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATVSLĐ - PCCN để có các biện pháp khắc phục kịp thời. Các đơn vị trong Tập đoàn đã có nhiều cách làm, triển khai nhiều biện pháp, mô hình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ với mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản, thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh: lập quy trình và triển khai thu thập và xử lý các kiến nghị về ATVSLĐ; Cùng với tổ chức Công đoàn tổ chức đối thoại định kỳ hàng năm giữa Người sử dụng lao động và Người lao động về các chế độ làm việc.... Một số đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý tích họp ISO 14000, quản lý 5S trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát động các phong trào thi đua và sáng kiến khoa học để ứng dụng trực tiếp trong sản xuất kinh doanh, nhằm cải thiện môi trường làm việc cũng như nâng cao ATVSLĐ cho người lao động.
Việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hộ lao động; chăm sóc sức khoẻ người lao động được các đơn vị xây dựng cùng với Kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của từng đơn vị và được Tập đoàn phê duyệt. Các đơn vị đã triển khai thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Người lao động được tổ chức huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động theo đúng quy định của từng vị trí làm việc, được tổ chức bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; môi trường lao động được tiến hành quan trắc định kỳ giúp phát hiện và tổ chức khắc phục kịp thời các nguy cơ gây ô nhiễm; Các đơn vị đã tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho Người lao động, đối với Người lao động phát hiện bị mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) được đưa đi điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, khi trở về được bố trí công việc khác phù họp với sức khoẻ.
Công tác kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, công tác đánh giá rủi ro và lập biện pháp phòng ngừa theo Thông tư 07/2016/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được các đơn vị trong Tập đoàn triển khai và phổ biến đến từng cương vị trong dây chuyền sản xuất góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kinh phí dành cho công tác ATVSLĐ được các đơn vị xây dựng trong kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng đơn vị với tổng kinh phí hàng năm lên tới gần 200 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các hạng mục: mua sắm phương tiện bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho Người lao động, đầu tư các trang thiết bị để cải thiện điều kiện làm việc. Các đơn vị quan tâm và chú trọng trong việc đầu tư các máy móc, thiết bị, tăng cường cải thiện các điều kiện làm việc cho Người lao động như: lắp đặt các thiết bị thông gió, làm mát, chiếu sáng, chống ồn, chống dột, chống thấm các công trình nhà xưởng, phòng làm việc, khu vệ sinh trong các nhà máy và phân xưởng sản xuất...; lắp đặt và trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện đại để đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động trong khi làm việc; Ngoài ra, các đơn vị đã dành nhiều tỷ đồng để lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải góp phần chủ động trong hoạt động cảnh báo, phòng ngừa các nguy cơ gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường lao động.
Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ luôn được Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn quan tâm và chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiên cứu và triển khai áp dụng; các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã quan tâm đầu tư nâng cấp thiết bị mới, tiên tiến trong các dự án mới được phê duyệt đầu tư; có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng đối với các dây chuyền sản xuất cũ góp phần làm giảm các nguy cơ gây TNLĐ, giảm nguy cơ mắc BNN; Các đơn vị trong Tập đoàn đã tổ chức các phong trào nghiên cứu, sáng tạo, các cuộc thi đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, đã có nhiều sáng kiến được triển khai áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả tích cực, được Hội đồng thi đua khen thưởng Tập đoàn và các Bộ, ngành khen thưởng tặng Bằng khen;
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo được xuyên suốt và kịp thời; công tác tuyên truyền, giáo dục, phố biến... được tổ chức thực hiện hiện nghiêm túc, cụ thể và hiệu quả, ý thức chấp hành của Người sử dụng lao động và Người lao động trong công tác ATVSLĐ có sự chuyến biến tích cực, số vụ TNLĐ nghiêm trọng đã giảm, có năm không để xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nào, số Người lao động mắc BNN không tăng thêm. Chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho Người lao động bị TNLĐ, BNN đã được các đơn vị thành viên trong Tập đoàn tạo điều kiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi trở lại làm việc theo quy định tại Điều 12, Nghị định 88/2020/NĐ-CP. Người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa BNN và được đi điều dưỡng theo quy định tại Điều 16, Nghị định 88/2020/NĐ-CP và Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015 khi có đủ các điều kiện; Người lao động bị TNLĐ hoặc BNN ngoai các chi phí hỗ trợ TNLĐ, hỗ trợ khám, chữa BNN còn được hưởng hỗ trợ phục hồi chức năng lao động theo quy định tại Điều 24, Nghị định 88/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 56, Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe Công ty CP DAP - VINACHEM và Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW tại đơn vị và các ý kiến góp ý của các thành viên đoàn công tác về bản báo cáo của Tập đoàn.
Kết luận tại buổi làm việc, thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Tập đoàn hoàn thiện thêm báo cáo cho chi tiết, cụ thể hơn. Về các kiến nghị, đồng chí đề nghị Tập đoàn tổng hợp lại, sau đó đề xuất lên Cục An toàn VSLĐ để từ đó Cục sẽ sử đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá, đối chiếu... để cập nhật vào danh mục độc hại, từ đó có chế độ cho người lao động.