“Bằng các chương trình "Canh tác thông minh" và sản phẩm phân bón chất lượng cao, Phân bón Đầu Trâu đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất sản xuất của người nông dân. Thương hiệu này đang trở thành một lựa chọn tin tưởng trong việc sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường”.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng sản phẩm làm ra lại phục vụ nông nghiệp, Công ty CP Phân bón Bình Điền – thương hiệu Phân bón Đầu Trâu, sản xuất ra những sản phẩm phân bón cho các quy trình và giải pháp “Canh tác thông minh”, trong đó quy trình canh tác tổng hợp trong chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận Tiến bộ Kỹ thuật là một điển hình, đã và đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất sản xuất của người nông dân. Thương hiệu này đang trở thành một lựa chọn tin tưởng của nông dân Việt Nam hướng đến nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Ảnh hưởng của hoạt động trồng trọt đến môi trường
Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là khi tình hình dịch bệnh và khủng hoảng xảy ra. Hàng năm, ngành nông nghiệp mang về cho đất nước gần 40 tỷ USD, trong đó trồng trọt, mà đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tạo ra việc làm và sinh kế cho hơn 70% dân số. Tuy vậy, ngoài thành tựu và đóng góp cho xã hội thì hoạt động trồng trọt cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính, tác động xấu đến môi trường.
Theo báo cáo cập nhật hai năm một lần nộp cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam năm 2014, 33% lượng phát thải khí nhà kính là từ ngành nông nghiệp, trong đó khoảng 50% lượng phát thải là từ canh tác lúa (Nguồn: Tài liệu Dự án AgResults Vietnam Emissions Reduction Project).
Theo các nhà khoa học, quá trình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa nước sẽ sinh ra các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu, như CH4, N2O và CO2… Các loại khí này được sản sinh chủ yếu từ quá trình phân hủy hữu cơ trong đất tạo ra khí CH4, một loại khí nhà kính mạnh gấp khoảng 25 lần CO2 trong việc giữ nhiệt; từ quá trình sử dụng phân bón hóa học không cân đối và thiếu kiểm soát gây phát thải N2O, CH4 (N2O là một loại khí nhà kính mạnh hơn CO2 khoảng 300 lần); từ quá trình đốt cỏ dại và rơm sau thu hoạch tạo ra khí CO2 và khí N2O làm tăng lượng khí nhà kính trong không khí; từ quá trình quản lý đất và gieo sạ không đúng cách gây ra phát thải khí nhà kính do giảm thiểu khả năng hấp thụ CO2 của đất; từ quá trình tưới tiêu và quản lý nước kém hiệu quả cũng dẫn đến việc tạo ra khí CH4...
Tại báo cáo “Hiện trạng Môi trường Quốc gia, giai đoạn 2016-2020” của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có nêu, trong trồng trọt, sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất. Song song với việc sử dụng phân bón, sử dụng thuốc BVTV tràn lan, không đúng kỹ thuật làm cho sâu bệnh trở nên kháng thuốc, nhiều loại sinh vật có ích (thiên địch) bị tiêu diệt gây mất cân bằng hệ sinh thái. Thêm vào đó là xu hướng người dân thích sử dụng các loại thuốc rẻ tiền, công dụng mạnh, nhưng lại ít quan tâm đến an toàn môi trường. Không chỉ vậy, lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động trồng trọt, đặc biệt là bao bì thuốc BVTV, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Theo ước tính, hằng năm có đến 50% - 70% lượng phân bón vô cơ không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường. Nước thải từ hoạt động chuyên canh nông nghiệp có chứa các thành phần độc hại như hóa chất BVTV, phân bón hóa học nêu trên đã và đang gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, sau mỗi mùa vụ, phụ phẩm từ cây trồng chính phát sinh với khối lượng lớn, trong đó lớn nhất là cây lúa, tiếp đến là cây mía và các loại khác như sắn, ngô, cà phê, đậu tương… Chỉ một phần phụ phẩm từ cây trồng được tái chế, tái sử dụng, phần còn lại đốt bỏ ngoài ruộng, gây hiện tượng khói mù cục bộ cho vùng lân cận sau thu hoạch mỗi mùa vụ. Việc đốt rơm rạ tự phát, không kiểm soát làm phát sinh các khí CO, NOx, bụi mịn… ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người.
Hướng đến Canh tác thông minh giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh
Trong thời đại ngày càng nóng lên của biến đổi khí hậu và áp lực tăng trưởng bền vững thì rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống các ngành nghề, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Ở mỗi vị trí, họ đều phải có trách nhiệm tham gia vào công tác bảo vệ môi trường và thực hiện theo các cách riêng của họ nhưng không nằm ngoài tôn chỉ “sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tăng trưởng phải đi đôi với phát triển xanh, phát triển bền vững”.
Trong trường hợp của Công ty CP Phân bón Bình Điền, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng sản phẩm làm ra lại phục vụ nông nghiệp, Công ty CP Phân bón Bình Điền với thương hiệu Phân bón Đầu Trâu, bằng các chương trình Canh tác thông minh và sản phẩm phân bón chất lượng cao, gắn với sử dụng công nghệ tiên tiến, đang trở thành một lựa chọn hứa hẹn trong hướng dẫn phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
“Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, một cụm từ không còn mới mẻ với nông dân ĐBSCL, bởi đây chính là chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua. “Canh tác lúa thông minh” được Bình Điền thiết kế để giúp người nông dân sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách hiệu quả. Điều này được thực hiện thông qua việc đưa ra các lời khuyên về lượng giống gieo sạ, thời điểm và phương pháp tưới tiêu, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý, phân bón thông minh, quản lý sâu bệnh hại tối ưu…, từ đó giúp giảm thiểu lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, lượng nước tưới, lượng thuốc BVTV và cả công lao động... Đồng thời, chương trình này còn đưa ra các giải pháp kỹ thuật mới, kết hợp ứng dụng các thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác, giảm thiểu sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất. Đây là các yếu tố góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiểm môi trường để phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam: “Công ty CP Phân bón Bình Điền, một doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của Việt Nam, thông thường những doanh nghiệp phân bón là cung cấp vật tư, cung cấp phân bón, nhưng với Công ty CP Phân bón Bình Điền thay vì cung cấp phân bón thì lại cung cấp cả các giải pháp và canh tác thông minh, trong đó có sử dụng phân bón thông minh là một hệ thống giải pháp. Đây là một hướng đi mà tôi cho là rất khác biệt của Bình Điền so với các doanh nghiệp khác. Vừa rồi chúng tôi vừa tổng kết chương trình Canh tác lúa thông minh tại vùng ĐBSCL với 13 tỉnh thành, thực hiện từ 2016-2022, và thấy hướng tiếp cận này là một hướng tiếp cận rất phù hợp, không chỉ với Việt Nam mà cả với quốc tế”.
Bình Điền - Những bước đi phù hợp
Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được Bình Điền thực hiện tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL (thực hiện tới 7 vụ lúa, qua 2 giai đoạn, từ 2016- 2017, đến 2020- 2022) đã đạt được hiệu quả tốt, như giảm giống gieo sạ (từ trên 200 kg, xuống dưới 80 kg/ha), giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên 1,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng trên 400 kg thóc/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 4,5 triệu đồng/ha so với đối chứng. Quy trình canh tác tổng hợp trong chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT công nhận là Tiến bộ kỹ thuật.
Được biết, trong chương trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh các giải pháp canh tác tiên tiến, các sản phẩm phân bón thông minh, Bình Điền cũng đã ứng dụng nhiều thiết bị hỗ trợ và công nghệ số để nâng cao hiệu quả của chương trình, đáp ứng tốt mục tiêu tăng trưởng xanh, như lắp đặt các trạm quan trắc nước mặn, pH nước tự động trên các tuyến sông, kênh rạch ven biển khu vực ĐBSCL, lắp đặt trạm giám sát sâu rầy tự động, cung cấp cho nông dân, cán bộ kỹ thuật bút đo độ mặn, dụng cụ đo pH, máy phun hạt để sạ lúa và bón phân, ứng dụng phần mềm theo dõi đồng ruộng, xây dựng ứng dụng (app) canh tác thông minh để tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân, lồng ghép các tính năng ghi chép nhật ký canh tác, xây dựng mã vùng trồng trong tương lai…
Cùng trong giai đoạn triển khai chương trình Canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL, Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng đã tham gia vào dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults” do Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2021 tại tỉnh Thái Bình, nơi có truyền thống sản xuất lúa nước lâu đời ở khu vực đồng bằng sông Hồng của Việt Nam. Dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải khí nhà kính AgResults” được thiết kế thông qua một cuộc thi nhằm tìm kiếm các công nghệ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất trong quá trình canh tác lúa. Tại dự án này, Công ty CP Phân bón Bình Điền là 1 trong 4 đơn vị trên tổng số 11 đơn vị dự thi đã vượt qua giai đoạn 1 (2 vụ, từ 2017-2018) để bước tiếp vào giai đoạn 2 (4 vụ, từ 2019-2020). Trong giai đoạn 1, Bình Điền đạt giải 3/11 trong vụ mùa 2017 và giải 2/11 trong vụ xuân 2018. Tiếp tục giai đoạn 2, mô hình ở vụ mùa 2019 của Bình Điền cho kết quả tương đối tốt: % tổng lượng CO2 giảm 11,66%, % năng suất tăng 1,54%, đạt giải 2/4 đơn vị dự thi.
Ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ: “Trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi có những sản phẩm phân bón bổ sung hoạt chất thông minh như Agrotain, Avail. Những hoạt chất này giúp nâng cao hiệu suất sử dụng phân đạm và phân lân, qua đó giúp cho bà con nông dân sử dụng một lượng phân bón ít hơn, trong khi năng suất và chất lượng nông sản lại cao hơn, tiết giảm được chi phí sản xuất, cũng như giảm được lượng phân bón đi vào môi trường đất, qua đó góp phần giảm được lượng phát thải khí nhà kính. Trong những năm tiếp theo, chúng tôi tiếp tục ứng dụng những thành tựu của khoa học thế giới cũng như trong nước, và cùng với Hội đồng Khoa học kỹ thuật của công ty, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm những dòng sản phẩm có những tính năng như vậy để đưa ra thị trường trong thời gian sớm nhất, giúp cho bà con nông dân có nhiều lựa chọn, vừa có những sản phẩm phân bón tốt bảo đảm năng suất cây trồng và chất lượng nông sản, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, cũng như góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường. Điều đó cực kỳ có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay”.
Lý giải về hiệu quả của phân bón thông minh ứng dụng trong quy trình canh tác giúp giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, nói: “Bình Điền là một doanh nghiệp sản xuất phân bón, cho nên yếu tố thông minh ở trong phân bón luôn được đề cập đến. Hiện nay, có rất nhiều các yếu tố làm cho phân bón thông minh hơn, nhưng hiện người ta chủ yếu tập trung vào phân bón có điều khiển, có kiểm soát, chậm tan, có các chất ức chế hoặc phát huy các yếu tố dinh dưỡng, tức là khi sự chuyển hóa quá nhanh như khi bón đạm vào đất thì sau 24 giờ nó chuyển hóa hết, cây trồng chưa kịp hấp thu thì phân đạm đã bị rửa trôi hoặc bay hơi. Vậy làm sao để làm chậm quá trình đó lại để lượng dinh dưỡng cây trồng hấp thụ được tăng lên? Và giải pháp của Bình Điền là sản xuất ra các loại phân bón thế hệ mới có bổ sung các hoạt chất như Agrotain, Avail, đây là các chất có tác dụng tăng hiệu suất sử dụng phân, giúp giảm 20-25% lượng đạm bón và giảm phát thải N2O, CH4. Hoặc như lân khi bón vào trong đất Việt Nam có rất nhiều sắt (Fe) và nhôm (Al), lân sẽ bị cố định ngay trở thành các dạng photphat Fe-Al rất khó tiêu làm cho cây trồng không hút được, như vậy lân bón vào sẽ không hiệu quả. Vậy biện pháp xử lý là phải xử lý chua trước bằng cách bón vôi, sau đó mới bón phân hoặc đưa các loại phân bón thông minh, thường gọi là phân bón cân bằng đất, có các yếu tố kim loại kiềm và kiềm thổ để xử lý trước khi đưa phân lân vào. Đấy là những yếu tố mà phân bón thông minh với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón từ 40-45% lên 55-60% để giúp giảm lượng phân bón mất đi. Điều này không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm nguồn nước, từ đó giúp bảo vệ môi trường”.
Sau thành công của “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” vùng ĐBSCL, từ cuối năm 2022, Công ty CP Phân bón Bình Điền tiếp tục nghiên cứu phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đối tác khác để nhân rộng quy trình trong những năm tiếp theo. Và để đảm bảo được mục tiêu của chương trình, ThS. Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, cho biết: “Ngoài việc ứng dụng các hoạt chất thông minh như Agrotain, Avail vào sản phẩm để giúp giải quyết vấn đề giảm thất thoát phân bón, giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, Bình Điền cũng đã nghiên cứu cải tiến một số sản phẩm theo hướng bổ sung thêm các chủng vi sinh vật (VSV) như VSV cố định nitơ, VSV phân giải phốt pho khó tan và VSV phân giải xen lu lô vào các bộ sản phẩm phân bón chuyên cho lúa, cây ăn trái, rau màu và nhiều loại cây trồng khác như Đầu Trâu Bio-lúa, Đầu Trâu Bio-Can xi để góp phần giúp cho đất khỏe, cây trồng khỏe, đáp ứng cho việc canh tác bền vững và giảm phát thải.”
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Cty CP Phân bón Bình Điền, chia sẻ: “Tất cả các chương trình của Công ty CP Phân bón Bình Điền đều có mục tiêu chung là tạo ra một mô hình sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Sắp tới đây, chúng tôi cũng mong muốn đồng hành với đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh và phát thải thấp cho sản xuất lúa ĐBSCL của Bộ NN&PTNT. Với đề án này, ngoài việc Bình Điền cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các đối tác công tư, triển khai Quy trình canh tác tổng hợp trong chương trình Canh tác lúa thông minh đã được Cục Trồng trọt-Bộ NN&PTNT công nhận Tiến bộ kỹ thuật, Bình Điền cũng sẽ phối hợp cùng IRRI, Cục Trồng trọt triển khai và phát triển chuỗi giá trị phân bón hữu cơ từ rơm tại các vùng trọng điểm của đề án. Tôi nghĩ đây cũng là một trong những định hướng quan trọng hướng đến Nông nghiệp tuần hoàn và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.”
Không chỉ triển khai trên cây lúa, cũng từ cuối năm 2022, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã khởi động và triển khai các chương trình trên cây cà phê, một loại cây trồng chủ lực sau lúa gạo, và cây ngô: (i) “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025, chương trình này do Bình Điền phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện, cũng sẽ giúp nông dân tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, lại có ý nghĩa xã hội và bảo vệ môi trường. (ii) “Xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác ngô sinh khối theo mô hình kinh tế tuần hoàn”, chương trình này do Bình Điền phối hợp với Viện Nghiên cứu Ngô thống nhất thực hiện, cũng nhằm giúp nông dân sản xuất ngô một cách bền vững và có ích cho môi trường. Nông dân có thể sử dụng ngô sinh khối để sản xuất năng lượng và sản phẩm bổ sung khác, giúp giảm thiểu lượng chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất và đồng thời tăng cường giá trị kinh tế của sản phẩm.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, cho biết: “Sự tham gia của Công ty CP Phân bón Bình Điền trong thời gian qua với các mô hình canh tác chuyên canh cũng như thâm canh có sự thay đổi về các phương pháp cũng như cách tiếp cận về sử dụng phân bón có nghiên cứu đến đất đai, có cải tạo đất đai và có làm giảm chi phí sản xuất, đồng thời có chú ý đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận này phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Đây là một điển hình của hợp tác công tư. Sự hợp tác này sẽ mở ra một cách nhìn mới về việc chúng ta phát triển một ngành hàng không chỉ là những chủ trương, những định hướng, những chính sách của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước hoặc của địa phương, mà chúng ta cần sự chung tay nhiều hơn nữa của nhiều doanh nghiệp mà Bình Điền là một điển hình”.
Với những giá trị mà Công ty CP Phân bón Bình Điền – thương hiệu Phân bón Đầu Trâu mang lại, thương hiệu này đã và đang được nhiều nông dân tin tưởng và sử dụng trong quá trình sản xuất. Không chỉ là một sản phẩm phân bón chất lượng cao, Phân bón Đầu Trâu còn là một thương hiệu đang cống hiến cho môi trường và xã hội thông qua các chương trình canh tác thông minh, các chương trình này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, giúp nâng cao năng suất và giá trị kinh tế của sản phẩm, mà còn giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về tình trạng môi trường tại Việt Nam và trên thế giới, từ đó thúc đẩy họ chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường bằng các hoạt động sản xuất từ chính họ.