Vụ ĐX 2011- 2012 Cty CP Phân bón Bình Điền kết hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNN) thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) theo hướng VietGAP ở các tỉnh phía Nam: Tây Ninh, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang với tổng diện tích 7.500 ha, hơn 3.500 hộ nông dân tham gia.
Trong mô hình này ngoài việc cung ứng 100% phân bón trả chậm chuyên dùng Đầu Trâu Agrotain Lúa 1, Đầu Trâu Agrotain Lúa 2 cho nông dân sau thu hoạch với giá gốc không tính lãi suất, Cty còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống đồng ruộng hướng dẫn nông dân bón phân đúng công thức.
Theo kết quả sơ bộ mô hình ở các tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ trong vụ ĐX 2011- 2012 đều cho kết quả rất tốt, lợi nhuận tăng từ 2,7- 5 triệu đồng/ha so với nông dân ngoài mô hình, do cây lúa phát triển cân đối ít sâu bệnh nông dân tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận. Năm 2011 Cty Bình Điền còn đã tổ chức đưa 60 nông dân SX giỏi trong mô hình tại các tỉnh thành Nam bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Viện Lúa quốc tế IRRI.
Ở vụ HT tới đây Cty CP Phân bón Bình Điền cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phía Nam thực hiện CĐML với diện tích dự kiến tăng lên 8.000 ha, sau vụ Cty mới thu hồi vốn. Đặc biệt, đối với nông dân nằm trong chương trình CĐML ở xa, mua phân trực tiếp ở các đại lý cấp I và II thì được giảm 25.000 đồng/bao phân. Chủ yếu 2 sản phẩm của Cty đưa ra là Đầu Trâu Agrotain lúa 1 và Đầu Trâu Agrotain lúa 2.
Trong vụ HT 2012, Cty sẽ cung ứng cho nông dân nằm trong chương trình CĐML từ 32.000- 36.000 tấn phân trong vụ HT. Mô hình CĐML giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước- nhà doanh nghiệp- nhà khoa học- nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ít cao nhất. Cái hay trong CĐML là lợi ít nông dân và DN đều được quan tâm. Đây được xem là hướng mở trong SX nông nghiệp hiện nay.
Ngày 22/3 tới đây, Chi cục BVTV Cần Thơ phối hợp cùng Cty CP Phân bón Bình Điền, tổ chức tổng kết đánh giá CĐML ở Cần Thơ. Hiện tại trong vụ lúa ĐX ở Cần Thơ có gần 2.000 ha tham gia CĐML đang mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Chủ yếu tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt. Trong CĐML, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng một cách đồng bộ, từ đó rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất lúa giữa các hộ nông dân, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng. Đây cũng là con đường ngắn nhất để tái cơ cấu SX, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thông qua liên kết với DN cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.