Nam (Casumina) vẫn không ngừng ứng dụng công nghệ mới để giữ vững thị phần. Nhưng để có được miếng bánh lớn trên thị trường, Casumina cần đi nhanh hơn."/>Nam (Casumina) vẫn không ngừng ứng dụng công nghệ mới để giữ vững thị phần. Nhưng để có được miếng bánh lớn trên thị trường, Casumina cần đi nhanh hơn."/>

Casumina tăng tốc tìm thị phần

09:05 SA @ Thứ Sáu - 07 Tháng Sáu, 2013

Nằm trong top 75 DN săm lốp lớn nhất thế giới, xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN nhưng CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) vẫn không ngừng ứng dụng công nghệ mới để giữ vững thị phần. Nhưng để có được miếng bánh lớn trên thị trường, Casumina cần đi nhanh hơn.

Đổi mới theo xu thế

Trong bối cảnh các DN ngoại không ngừng thâm nhập và tìm cách chiếm lĩnh thị trường nội địa, Casumina đã trở thành một điểm sáng khi luôn giữ vững được vị trí là đơn vị sản xuất săm lốp hàng đầu Việt Nam và là một thương hiệu Việt rất được tin cậy trên thị trường.

Theo thống kê, Casumina hiện có 4 nhà máy sản xuất săm lốp, năm 2012, công suất sản xuất săm lốp ô tô đã đạt 3 triệu chiếc/năm, săm lốp xe máy đạt 28 triệu chiếc/năm và săm lốp xe đạp đạt 13 triệu chiếc/năm. Sản phẩm được phân phối đến hơn 200 đại lý cấp I khắp cả nước và mạng lưới tiêu thụ tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong kế hoạch mở rộng thị phần, Casumina đã từng bước tiếp cận thị trường nông thôn. Nhờ vậy, dù năm 2012 cộng đồng DN phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng Casumina đã về đích với kết quả kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, tổng doanh 3.043 tỷ đồng, vượt hơn 43 tỷ đồng so với kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 254 tỷ đồng, đạt 225% kế hoạch.

Dù đang ở vị trí cao nhất khi chiếm lĩnh đến 1/4 thị phần nội địa, nhưng Casumina vẫn muốn gia tăng sự có mặt trên thị trường khi đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép với công suất 1 triệu lốp/năm. Mục tiêu trước năm 2016, lốp radial toàn thép tiêu thụ trên thị trường phải đạt 350.000 lốp/năm.

Theo ông Lê Văn Trí, phụ trách truyền thông của dự án, cho biết nhu cầu thị trường đang dần hướng đến những phân khúc hàng cao cấp. Do đó, sau khi sản phẩm cao cấp Euromina được thị trường đón nhận tốt, công ty đang kỳ vọng vào dự án đầu tư nhà máy radial toàn thép, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển, sẽ giúp công ty tăng sức cạnh tranh về thương hiệu, chất lượng và mở rộng thị phần trong lẫn ngoài nước hơn.

Song ông Trí cũng thừa nhận, mức đầu tư 3.500 tỷ đồng vào dự án này là vừa sức nếu so với mức đầu tư của các nhà máy trên thế giới.

Đi nhanh để thắng

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường săm lốp trong nước giữa các DN nội và ngoại đang diễn ra ngày càng gay gắt khi nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Michelin, Yokohama, Cheng Shin đã được phân phối rộng rãi, thậm chí thương hiệu Bridgestone còn đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam và dự kiến hoạt động vào năm 2014.

Ngoài ra, Casumina còn chịu sức ép không nhỏ từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc và vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu của công ty. Đối với thị trường xuất khẩu, hiện săm lốp Trung Quốc đang chiếm khoảng 28% sản lượng thế giới, nhưng do giá rẻ nên đã bị áp thuế chống bán phá giá 35%.

Song đến khi mức thuế này được tháo dỡ, không chỉ săm lốp Việt Nam mà săm lốp các quốc gia trong khu vực châu Á cũng khó lòng cạnh tranh. Do vậy, ngay từ bây giờ, DN nào nhanh tay đưa ra sản phẩm công nghệ mới sẽ chiếm lĩnh được thị phần.

Với xu thế đó, dự án nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép được xem là chìa khóa để Casumina giành lấy thị phần trong lẫn ngoài nước. Do kỳ vọng lớn vào dự án này nên năm 2013 được xem là giai đoạn bản lề quyết định sự thành công hay thất bại của Casumina trong chiến lược kinh doanh 2015-2020.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Trí, vị Phó Tổng giám đốc sau hơn 36 năm gắn bó với Casumina với nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của công ty đã về hưu, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, cũng xin rút khỏi HĐQT, không tham gia điều hành nữa. Điều này khiến cho thị trường lo ngại về sự phát triển của Casumina trong những năm tới.

Năm 2011, ông Trí đã từng chuyển giao công việc và kết quả là lợi nhuận cả năm giảm 101 tỷ đồng so với năm trước, nên ông đã phải quay lại điều hành. Với tầm quan trọng của hoạt động năm 2013 đối với toàn bộ kế hoạch kinh doanh trong nhiều năm tới, công tác điều hành của ban lãnh đạo mới được cho là sẽ đối mặt với nhiều thách thức do giá cao su biến động liên tục, nếu không linh hoạt sẽ dễ rơi vào bẫy giá, mất hết lợi nhuận.

Hơn nữa, nhà máy radial toàn thép vẫn chưa lắp đặt xong máy móc thiết bị, nếu dòng sản phẩm này được đưa ra thị trường quý IV năm nay như dự kiến cũng là quá chậm và sẽ bất lợi trong việc giành thị phần. Tuy nhiên, ông Trí cho rằng ban lãnh đạo mới, với sức trẻ và sáng tạo chắc chắn sẽ lèo lái được con thuyền Casumina.

Nguồn: