Công ty Cổ phần DAP – Vinachem, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, là đơn vị sản xuất phân bón Diamon Phốt phát (DAP) đầu tiên của Việt Nam. Sau trên sáu năm đi vào hoạt động, đến nay thương hiệu DAP Đình Vũ đã dần được hình thành và trở nên quen thuộc, đồng hành cùng nhà nông, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta lên đứng hàng thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù ngành sản xuất phân bón thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất, trong quá trình sản xuất có phát sinh các chất thải ở cả ba dạng rắn, lỏng, khí, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường. Thời gian gần đây một số thông tin phản ánh về việc phát tán (không thường xuyên) bụi và mùi khó chịu, nước thải róc tại bãi thải thạch cao gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chúng tôi đã có mặt để tìm hiểu thực tế công tác xử lý môi trường tại cơ sở sản xuất liên quan đến những phản ánh này
Thực tế cho thấy Công ty đã triển khai đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra cũng cho thấy, đơn vị đã có ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đến nay chưa có nội dung nào vi phạm. Theo các kết quả quan trắc thường xuyên (tự kiểm tra), cũng như kết quả quan trắc định kỳ (do cơ quan độc lập kiểm tra), cho thấy toàn bộ các thông số về môi trường đều đạt Quy chuẩn quốc gia về môi trường.
CÁC GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH VỀ MÔI TRƯỜNG:
+ Về khí thải:Chủ yếu là khí SO2 phát sinh từ nhà máy Axit Sulfuric, đã có hệ thống kiểm soát khí SO2 tự động qua ống khói, áp dụng công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ kép, 05 tầng xúc tác, hiệu suất chuyển hóa 99,97%. Kết quả quan trắc thường xuyên cũng như định kỳ, hàm lượng SO2 trong ống khói rất thấp (luôn nhỏ hơn 200mg/Nm3 ) so với tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn cho phép là 500mg/Nm3 ).
+ Về nước thải:Toàn bộ nước thải phát sinh trong nội bộ các nhà máy đều có hệ thống thu gom và tái sử dụng tại chỗ. Nước thải của phòng thí nghiệm và các nguồn phát sinh bất thường, đã có trạm xử lý tập trung, công suất thiết kế 40m3 /h, sử dụng phương pháp trung hòa, kết tủa hai giai đoạn, nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, gần như toàn bộ nước thải sau xử lý đều được bơm tuần hoàn về nhà máy để sử dụng lại.
+ Về chất thải rắn: Chủ yếu là bã thải Thạch cao (CaSO4 .2H2 O) đã có bãi chứa tạm thời, được lót màng chống thấm HDPE; nước róc từ bãi chứa được bơm toàn bộ về nhà máy để sử dụng nhằm tận thu hàm lượng dinh dưỡng P2 O5 còn tồn dư trong bã thải. Sau thời gian lưu trữ 03- 05 năm, bã thạch cao được đưa ra bãi chứa lâu dài và được sử dụng cho một số mục đích khác nhau; dùng làm phụ gia chậm đông cho xi măng, tấm thạch cao, làm vật liệu xây dựng… Các loại chất thải rắn khác như: chất thải sinh hoạt, thông thường và chất thải nguy hại, đã có các kho chứa có mái che theo quy định và ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải theo qui định.
Ngoài ra, Công ty còn áp dụng các giải pháp phi công trình khác như không ngừng tuyên truyền nâng cao ý thức cho CBCNV về bảo vệ môi trường, tổ chức bộ máy chuyên trách vệ sinh môi trường, tăng cường trồng cây xanh cải tạo cảnh quan theo tiêu chí xanh, sạch, đẹp…
Nhìn bao quát tổng thể nhà máy rộng trên 70ha với nhiều nhà xưởng sản xuất, kho chứa nguyên, nhiên liệu, thành phẩm, bãi thải, máy móc, cột khói trắng (hơi nước sinh ra trong quá trình sấy khô sản phẩm) thì ít ai có thể khẳng định ngay được là nơi đây an toàn. Thế nhưng, sau tất cả những gì chúng tôi đã thấy với những vườn cây xanh tốt, bể cá, bầy chim trong khuôn viên nhà máy, cũng như kết quả của các đoàn kiểm tra, thì thực tế lại ngược lại với suy nghĩ đó. Đó là một thực tế đáng mừng, tuy nhiên trước yêu cầu về điều kiện môi trường ngày một cao hơn, Công ty cần phải tiếp tục duy trì và đầu tư về môi trường nhiều hơn nữa, đặc biệt là công tác vệ sinh công nghiệp, xử lý các bãi thải rắn và đặc biệt hơn là ngăn ngừa mọi sự cố về môi trường, bởi chỉ một sự cố rất nhỏ của ngành hóa chất cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tự nhiên.