Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì: 55 năm một chặng đường phát triển

10:45 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Năm, 2016

Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, tiền thân là Nhà máy Hóa chất số 1 Việt Trì được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 04/11/1959. Sau gần 2 năm xây dựng, ngày 19/05/1961 Nhà máy Hóa chất số 1 Việt Trì đã mở máy sản xuất an toàn và cho ra mẻ xút đầu tiên. Đây là thành tựu kết tinh từ quá trình tích cực lao động và sản xuất của tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong Nhà máy nhằm lập thành tích chào mừng ngày sinh lần thứ 71 của bác Hồ kính yêu, đồng thời chính thức đánh dấu sự ra đời của Nhà máy Hóa chất số 1 Việt Trì.

Vào thời điểm mới thành lập (1961 - 1965), Nhà máy đi vào hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn: cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu; đội ngũ chuyên môn nghiệp vụ vừa thiếu vừa chưa có kinh nghiệm; tiêu chuẩn lương thực bị cắt giảm; đời sống CBCNV còn gặp nhiều khó khăn do tình hình chung của cả miền Bắc thực hiện “tất cả cho tiền tuyến miền Nam”; v.v... Song, với sức trẻ tràn đầy lạc quan cách mạng, với tinh thần làm chủ tập thể, CBCNV Nhà máy đã liên tục tổ chức thi đua lao động sản xuất với các phong trào: phát huy sáng kiến cải tiến, tiết kiệm, hợp lý hóa sản xuất; tổ chức thao diễn kỹ thuật; đoàn thanh niên phát động các phong trào “Việc gì khó có thanh niên”, “ ca kíp máy thanh niên tự quản”; toàn nhà máy phát động phong trào “Thi đua xây dựng tổ, đội, đơn vị CNXH”, “Thi đua giành 3 điểm cao” (Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều); ... Nhờ đó, Nhà máy đã liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, góp phần cùng miền Bắc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Với những thành tích nổi bật trong lao động sản xuất, năm 1963, Nhà máy đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giai đoạn 1965 - 1975, Mỹ leo thang tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, khu vực của Nhà máy đã bị giặc Mỹ đánh phá 4 lần. Khu vực sản xuất thuốc trừ sâu 666, Trạm bơm nước, Nhà điện giải, Kho PVC, v.v... đều bị phá sập. Thực hiện phương châm của Đảng và Nhà nước là tích cực bảo vệ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, hàng trăm CBCNV của Nhà máy đã rời dây chuyền máy móc thiết bị để lên đường ra tiền tuyến, trực tiếp chiến đấu chống Mỹ cứu nước, đã có nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh. Lúc này, tại Nhà máy, lực lượng tự vệ được tổ chức trực chiến và sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm khu vực Nhà máy, đồng thời giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản chủ nghĩa xã hội và duy trì sản xuất trong Nhà máy.

Trong bối cảnh vừa duy trì sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu hoặc trực tiếp chiến đấu, nhưng tập thể CBCNV của Nhà máy vẫn luôn hưởng ứng tốt các phong trào thi đua: đã xuất hiện hàng loạt các điển hình tiên tiến của cá nhân và tập thể trong phong trào thi đua 3 giỏi (sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi, tổ chức đời sống giỏi); nhiều đơn vị đạt danh hiệu tổ lao động Xã hội Chủ nghĩa; nhiều CBCNV trong Nhà máy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, điển hình là đồng chí Lê Trí Trung nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Nhà nước trao tăng Huân chương Lao động hạng Nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1973).

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này, nhưng các mặt hoạt động xã hội của Nhà máy vẫn được duy trì và phát triển. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được Đảng bộ Nhà máy đặc biệt quan tâm, nhất là việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của đảng bộ. Hàng năm, Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể trong Nhà máy đều được công nhận danh hiệu 4 tốt.

Với nhiều thành tích trong lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Nhà máy đã được các tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể của Trung ương và địa phương ghi nhận, khen ngợi và tặng nhiều phần thưởng quý giá, trong đó: UBND tỉnh Vĩnh Phú trao tặng cờ “Sản xuất và chiến đấu giỏi” cho tập thể CBCNV Nhà máy trong 4 năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1968); Tổng Công đoàn Việt Nam công nhận (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) là đơn vị lá cờ đầu của ngành Công nghiệp Việt Nam trong những năm 1963 - 1968; được trao tặng 2 bảng vàng ghi công cho đảng bộ Nhà máy tại Đại hội Đảng bộ Vĩnh Phú lần thứ nhất (1973 - 1974). Ngoài ra, Nhà nước đã trao tặng 5 Huân chương lao động hạng Nhì, Ba và danh hiệu Anh hùng Lao động cho các tập thể tổ, phân xưởng và cá nhân có nhiều thành tích trong lao động sản xuất và sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Tổ quốc thống nhất, cả nước chung sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hóa chất công nghiệp, Nhà nước có chủ trương nâng công suất sản xuất của nhà máy với sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc. Lúc này, nhiệm vụ được đặt ra cho Nhà máy là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã tích lũy được sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, lại được sự hướng dẫn nhiệt tình của chuyên gia nước bạn, công việc cải tạo và mở rộng Nhà máy đã được tiến hành khẩn trương và hoàn thành đúng kế hoạch. Ngày 22/10/1976, Nhà máy đã chính thức khánh thành toàn bộ dây chuyền công nghệ mới. từng bước làm chủ và khai thác tối đa công suất của dây chuyền sản xuất; nhiều sáng kiến đã được đề xuất và ứng dụng hiệu quả cho quá trình sản xuất. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được triển khai sản xuất cung cấp sản phẩm mới cho nền kinh tế đất nước, đó là: Sản xuất MgSO4, MgCl2, C6H5Cl, NH4Cl, KClO3 điện phân, FeCl3, kem giặt, v.v... đặc biệt, ngày 19/05/1983, Nhà máy đã khánh thành lò sản xuất đất đèn (CaC2) cung cấp sản xuất PVC. Dây chuyền sản xuất thủy tinh lỏng cũng được đầu tư vào thời điểm này. Trong giai đoạn này, tuy còn gặp nhiều khó khăn về vật chất, nhưng hoạt động của đảng bộ và các đoàn thể quần chúng vẫn được giữ vững. Phong trào văn nghệ, thể thao luôn được duuy trì, tạo được niềm lạc quan trong cuộc sống để vượt qua các khoa khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất do Nhà nước giao cho. Nhờ đó, Nhà máy đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981);Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của UBND Thành phố Việt Trì tặng, dẫn đầu khối công nghiệp Trung ương trên địa bàn (năm 1982 - 1983); Năm 1985, Tổng Cục Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) tặng Cờ hoàn thành kế hoạch 5 năm (1981 -1985). Ngoài ra, Nhà máy còn được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Bước vào giai đoạn cùng cả nước thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (1986 - 2005), Nhà máy gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Dây chuyền máy móc thiết bị đã bắt đầu hư hỏng nặng, vật tư phụ tùng thay thế đã hết, vật tư nhập khẩu không được. Dây chuyền sản xuất thuốc trừ sâu 666 bị đóng cửa năm 1986 do loại thuốc trừ sâu này bị cấm sản xuất. Dây chuyền PVC phải dừng sản xuất năm 1987 do sản xuất không hiệu quả kéo dài, chất lượng sản phẩm không ổn định. Do ngừng sản xuất 2 sản phẩm trên nên cân bằng clo bị mất cân đối nghiêm trọng. Nhà máy đã tìm cách xử lý clo, đưa xuống cống ngầm, thậm chí đưa ra sông Hồng nhưng đều không thành công. Không cân bằng clo cùng với máy móc hư hỏng nhiều, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trầm trọng.

Trước tình hình đó, Nhà máy đã có hàng loạt các biện pháp như: Xây dựng hệ xử lý clo bằng sữa vôi (1987); Năm 1988, Nhà máy đã triển khai hấp thụ khí thừa HCl và thải axit loãng, đã cơ bản giải quyết tình huống dư thừa clo và ô nhiễm môi trường. Trong những năm từ 1989 - 1994, Nhà máy đã liên tục đầu tư lắp đặt một số thiết bị bổ sung, xây dựng các dây chuyền mới như: dây chuyền sản xuất bột giặt 5000 tấn/ năm; dây chuyền sản xuất bao bì các tông; dây chuyền sản xuất nước javel đạt chất lượng cao, v.v... Năm 1995, Nhà máy đã đẩy mạnh sản xuất kem giặt tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời triển khai thành công đề tài sản xuất CaCl2 phun sấy sử dụng tháp sấy bột giặt đã mở ra khả năng tiêu thụ lượng lớn axit HCl, chấm dứt việc thải axit HCl. Bên cạnh đó, Nhà máy còn cải tạo và nâng cao hiệu suất tháp hấp thụ HCl, giảm tiêu hao clo và tăng cường cung cấp axit clohydric cho sản xuất CaCl2. Trong năm này, Nhà máy đã được Nhà nước chuyển đổi tên thành Công ty Hóa chất Việt Trì.

Những năm tiếp theo của thời kỳ đổi mới (2001 - 2004), Công ty đã liên tục đầu tư xây dựng các dây chuyền lớn như: dây chuyền sản xuất NPK 15.000 tấn/ năm; dây chuyền sản xuất BaCl2. 2H2O 500 tấn/ năm; đầu tư để nâng số thùng điện phân làm việc lên 72 thùng và nâng công suất lên 9.000 tấn NaOH/ năm; v.v... Ngoài các công trình đầu tư tương đối lớn, Công ty còn nghiên cứu và triển khai nhiều đề tài sản xuất sản phẩm hóa chất nhỏ như: gia công thuốc trừ sâu dạng nước và dạng hạt, sản xuất KClO3, sản xuất xà phòng bánh, v.v...

Theo lộ trình đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước, Công ty đã đã chính thức chuyển đổi hoạt động sang mô hình cổ phần hóa vào ngày 04/01/2006. Từ khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình cổ phần hoá, Công ty đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó nổi bật là việc huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng nguồn thu cho ngân sách cho địa phương.

Trong những năm gần đây, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu của công ty đều có tốc độ tăng trưởng cao: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13,5%/ năm; doanh thu tăng bình quân 15%/ năm; lợi nhuận tăng bình quân 13,5%/ năm; nộp ngân sách tăng bình quân 12%/năm; thu nhập bình quân của người lao động tăng 16,5%/năm. Đặc biệt, năm 2015 các chỉ tiêu cơ bản của Công ty đã có mức tăng trưởng mạnh so với kế hoạch đề ra, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 498,557 tỷ đồng, tăng 31,52%; doanh thu đạt 491,578 tỷ đồng, tăng 32%. Bên cạnh đó, sản lượng các sản phẩm chủ yếu của Công ty đã đạt kết quả cao hơn nhiều so với kế hoạch, cụ thể: xút đạt trên 24 nghìn tấn, tăng 40,2%; axit HCl đạt trên 44 nghìn tấn, tăng 18,2%; Clo lỏng đạt 1,6 nghìn tấn, tăng 19,4%; javen đạt 20,18 nghìn tấn, tăng 28,81%; …

Dự kiến, trong giai đoạn tới, các chỉ tiêu kinh doanh của Công ty sẽ có tốc độ tăng trưởng lớn hơn 20%, sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống của người lao động được đảm bảo và ngày càng nâng cao là cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục đầu tư phát triển Công ty.

Đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh, từ nhiều năm qua, lãnh đạo Công ty đã luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, HộiCựu chiến binh, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, trước hết là luôn đảm bảo đủ việc làm cho người lao động với mức thu nhập ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, Công ty còn luôn chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho CBCNV, xây dựng nếp sống văn minh, khu dân cư văn hóa. Ngoài ra, Công ty cũng luôn quan tâm làm tốt các công tác xã hội, các công tác đền ơn đáp nghĩa như phụng dưỡng Bà mẹ ViệtNam Anh hùng, thăm hỏi thương bình, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, v.v... Những việc làm đó đã củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Công ty với nhân dân địa phương, thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, “tương thân tương ái”, tạo điều kiện cho CBCNV trong Công ty thực hiện tốt nghĩa vụ công dânvới đất nước, với xã hội và góp phần xây dựng quê hương.

Với thành tích luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong hơn nửa thế kỷ qua, Công ty đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997); Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương; cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Năm nay, Nhân dịp Kỷ niệm 55 năm ngày Công ty bước vào sản xuất (19/5/1961 - 19/5/2016), tập thể cán bộ, công nhân lao động Công ty lại vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai. Những phần thưởng trên đã phần nào thể hiện những cố gắng không ngừng trong học tập và lao động sáng tạo của thế hệ cán bộ, công nhân lao động của Công ty trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển của mình. Trong thời gian tới, CBCNV Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tận dụng mọi nguồn lực hiện có để phát triển Công ty ngày càng vững mạnh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất.

N.H