Nhờ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã thu lại lợi ích lớn về kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình) là một công trình trọng điểm của ngành Hóa chất Việt Nam. Với công suất 1.760 tấn urê/ngày (560.000 tấn urê/năm) nhà máy Đạm Ninh Bình cung cấp phân đạm urê cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.
Là một trong các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, những năm qua Công ty đã có nhiều nỗ lực trong công tác điều hành sản xuất nhằm mục tiêu giảm tiêu hao điện năng.
Anh Phạm Quốc Khánh – Phòng kỹ thuật công nghệ cho biết: Để tiết kiệm năng lượng Công ty đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm toán năng lượng từ đó xây dựng, triển khai và áp dụng các giải pháp trong sản xuất để giảm tiêu hao điện năng, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Cụ thể, đối với lò hơi, Công ty đã tiến hành thay đổi phương thức chạy máy từ 4 lò hơi/4 bơm nước tuần hoàn còn 3 lò hơi/3 bơm nước tuần hoàn, giải pháp này ước tính tiết kiệm 10% năng lượng. Đồng thời, thực hiện phân phối tối ưu phụ tải giữa các lò hơi và hiệu chỉnh tối ưu chế độ vận hành.
Tại khu vực lò khí hóa, hệ thống đầu đốt khởi động IB và SUB trước đây sử dụng khí LPG và dầu DO, đến năm 2022, công ty đã cải tiến thành loại 2 trong 1, chỉ sử dụng dầu DO và không cần sử dụng LPG để châm lửa. Giải pháp này giúp giảm tiêu hao LPG trong quá trình khởi động, ước tính tiết kiệm 10 tấn LPG/ lần khởi động.
Về hệ thống chiếu sáng, từ năm 2018, công ty đã tiến hành thay bóng đèn sợi đốt và huỳnh quang bằng bóng LED. Đến năm 2023, 100% hệ thống chiếu sáng sử dụng là đèn LED tiết kiệm điện. Đồng thời, thực hiện thay đổi phương thức điểu chỉnh thời gian tắt/mở hệ thống chiếu sáng theo cường độ sáng.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện, công ty thay thế dần hệ thống điều hòa cũ bằng điều hòa inveter; chuyển đổi vị trí phóng không CO2 dư để giảm việc dừng hệ thống, từ đó nâng cao phụ tải và ổn định hệ thống sản xuất; Áp dụng phương pháp cấp Nito lỏng vào hộp lạnh rửa Nito lỏng làm tăng hiệu suất làm lạnh cho thiết bi, góp phần nâng cao tải hệ thống từ 5-10% (áp dụng cho tháng 6,7,8,9).
Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Công ty đã từng bước xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO50001:2018. Năm 2023, công ty đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất thiết kế 3,8MW nhằm mục tiêu chủ động nguồn cung cấp điện cho sản xuất, ổn định hệ thống điện và giảm chi phí sản xuất. Hệ thống điện mặt trời áp mái đáp ứng được 3-4% nhu cầu điện năng tiêu thụ của nhà máy.
Chia sẻ về giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, anh Phạm Quốc Khánh, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu và thực hiện giải pháp sử dụng biến tần cho một số động cơ có thay đổi biên độ nhiều về lưu lượng, công suất để từ đó tiết kiệm được lượng điện cho nhà máy.”
Song song với đầu tư, cải tiến công nghê, giải pháp quản lý nội vi, xây dựng chính sách, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chú trong. Công ty đã ban hành các văn bản, quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho nhân viên; tổ chức đào tạo, tập huấn và cử cán bộ quản lý năng lượng tham gia các buổi hội thảo chuyên đề tiết kiệm năng lượng…
Có thể khẳng định, việc áp dụng các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng đã góp phần đưa Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và giữ vững vị trí của một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của ngành Hóa chất Việt Nam.
Nhờ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã đạt giải Khuyến khích Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2023"do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. |