Đạm Ninh Bình: "Chìa khóa" giảm nhập phân urê

02:40 CH @ Thứ Sáu - 30 Tháng Ba, 2012
Chiều 30/3, nhà máy Đạm Than Ninh Bình sẽ chính thức ra tấn sản phẩm urê đầu tiên. Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Văn Thiệu, Phó Giám đốc nhà máy Đạm Than Ninh Bình đã chia sẻ cùng Vietnam+ quá trình triển khai dự án cũng như các bước tiếp theo để tiếp nhận và vận hành công trình trong thời gian tới.

Xin ông cho biết, những mốc chính trong việc đầu tư dự án Đạm Than Ninh Bình?

Ông Nguyễn Văn Thiệu: Dự án Đạm Than Ninh Bình được chuẩn bị trong một thời gian khá dài, năm 2007 được sự cho phép của Chính phủ, Tổng Công ty hóa chất Việt Nam đã đàm phán và ký hợp tác với tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu, Trung Quốc theo hình thức tổng thầu EPC.

Ngoài ra, Tổng công ty còn ký 4 hợp đồng với các hãng khác như Air Liquid (Pháp) về công đoạn phân ly không khí; với hãng Shell của Hà Lan về công nghệ khí hoá than; công đoạn tách khí CO2 và khí axit của hãng Rectisol (Cộng hòa liên bang Đức) và với Haldor Topsoe của Đan Mạch về công nghệ tổng hợp Amôniắc.

Nhà máy công suất 560.000 tấn Urea/năm, tương đương 1.760 tấn/ngày. Tổng mức đầu tư của dự án là 667 triệu USD; trong đó vốn vay của ngân hàng phát triển Việt Nam khoảng 291 triệu USD, vốn vay từ ngân hàng Eximbank Trung Quốc là 250 triệu USD, vốn tự có của Tập đoàn hóa chất 100 triệu USD, vốn do tỉnh Ninh Bình cam kết hỗ trợ là 4,4 triệu USD.

Đến ngày 8/3 vừa qua, dự án đã chạy thử và cơ bản hoàn thành hệ thống xử lý nước, hệ thống tiếp nhận vận tải than, hệ thống nhiệt điện, hệ thống phân ly không khí, hệ thống khí hóa than đã hiệu chỉnh xong và chạy thử hệ thống nghiền than chuẩn bị tốt cho điện khí hóa, còn hệ thống Urê đã chạy xong hệ thống cô đặc và tạo hạt.

Để tiếp nhận một công trình lớn như vậy, công ty đã chuẩn bị về nhân lực như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thiệu: Để có được dòng sản phẩm urê đầu tiên vào chiều 30/3, ngoài việc lắp đặt thiết bị thì chủ đầu tư đã tổ chức tuyển gần 800 kỹ sư và công nhân, đưa đi đào tạo để đáp ứng yêu cầu vận hành nhà máy.

Đến thời điểm này, nhiều công đoạn như: Vận chuyển than, hệ thống xử lý nước, hệ thống nhiệt điện, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã tự đảm đương việc vận hành.

Tuy nhiên, hệ thống cô đặc và tạo hạt urê, hệ thống phân ly không khí, hệ thống nghiền sấy than của khí hóa thì nhà thầu vẫn đảm nhận.

Thời gian tới, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ cùng tiếp tục thực hiện một số công việc để đảm bảo cho dây chuyền chuyển sang hoạt động thương mại, hoàn thành việc hiệu chỉnh các thiết bị và những công đoạn chưa hoàn chỉnh để chuyển giao cho phía Việt Nam có thể làm chủ được toàn bộ dây chuyền trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến, trong vòng 3 tháng, từ tháng 3/2012 đến tháng 6/2012 sẽ tiếp tục chạy thử và hiệu chỉnh hệ thống thiết bị và đủ điều kiện để chạy nghiệm thu, sau khi đảm bảo các thông số thiết kế thì nhà thầu sẽ bàn giao dây chuyền cho chủ đầu tư, sau giai đoạn đó thì nhà thầu chỉ hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Theo hợp đồng thì nhà thầu có trách nhiệm bảo hành và sẵn sàng khắc phục sự cố (nếu có).

Vậy đâu sẽ là những thị trường trọng điểm để tiêu thụ sản phẩm?

Ông Nguyễn Văn Thiệu: Thị trường trọng điểm của Đạm Ninh Bình sẽ là các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, các thị trường tiềm năng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cụ thể, chúng tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ với 14 nhà phân phối.

Theo dự kiến, sau khi đạt công suất thiết kế vào năm 2014 thì đạm Ninh Bình sẽ chiếm khoảng 25% thị phần đạm cả nước.

Tuy nhiên, trong năm đầu tiên thì công suất chỉ đạt khoảng 210.000 tấn, sang năm 2013 lên 90% công suất thiết kế và đạt 100% vào năm 2014.

Cùng với việc ra đời của sản phẩm đạm Ninh Bình, kết hợp với các sản phân đạm của nhà máy đạm khác như: Đạm Cà Mau, Phú Mỹ và Hà Bắc thì từ năm 2013 sản lượng Urê sẽ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như kết thúc giai đoạn nước ta phải nhập khẩu Urê triền miên.

Khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thiệu: Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành, nhưng phần vốn đang thiếu, cụ thể nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam do vay bằng tiền Việt, quy đổi tại thời điểm đó tương đương 241 triệu USD, nhưng quá trình tỷ giá thay đổi thì thiếu hụt khoảng 30-40 triệu USD.

Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, nhà máy đạm Ninh Bình có kỹ thuật hiện đại, phức tạp, dùng nhiều công nghệ mới, có những loại ở Việt Nam lần đầu tiên áp dụng như công nghệ khí hóa Than, việc này cũng khó cho chủ đầu tư hợp tác với các đơn vị cũng như đưa kỹ sư đi học tập và đào tạo.

Do vậy, thời gian tới, việc làm chủ công nghệ khí hóa than cũng là một vấn đề lớn đòi hỏi phải có thời gian, chắc chắn chủ đầu tư cũng phải tính đến việc thuê thêm chuyên gia có nhà máy với công nghệ tương tự để sang hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu.

Về phía công ty, chúng tôi cũng đã chọn được một đối tác từ phía Trung Quốc, bởi họ dẫn đầu thế giới trong công nghệ này.

Khâu quan trọng nhất là xử lý môi trường, vậy công ty đã có những biện pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Thiệu: Theo quy định việc sản xuất đạm sẽ phát sinh các loại rác thải sau: Khí thải, chất thải rắn và nước thải.

Xét về từng loại thì với khí thải, trong một dây chuyền hóa chất cơ bản là không có, tại nhà máy đạm Ninh Bình đã có hệ thống lọc bụi điện. Còn chất thải rắn gồm xỉ than, công ty sẽ thu gom và chuyển sang bán cho các nhà máy phụ gia xi măng...

Riêng nước thải, theo thiết kế của đạm Ninh Bình đạt tiêu chuẩn trên loại B nhưng chưa đạt A, mà theo nguyên tắc, nước thải đạt chuẩn A mới được thải trực tiếp ra môi trường.

Trước thực tế trên, nhà máy đạm Ninh Bình đã xây dựng khép kín hệ thống nước tuần hoàn với công suất 50.000 mét khối/giờ, tuy nhiên, nước thải sau khi xử lý mới chỉ đạt tiêu chuẩn trên loại B. Do vậy nhà máy có thỏa thuận với công ty Thành Nam chuyên xử lý nước thải trong khu Khánh Vĩnh để xử lý tiếp cho đến khi đạt chuẩn A.

Xin cảm ơn ông./.
Nguồn: