Xác định được xu hướng chung của thị trường, sản phẩm DAP Đình Vũ đã chủ động đương đầu với thách thức, kiên trì từng bước vượt qua khó khăn. NNVN có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Sinh (ảnh), TGĐ Cty cổ phần DAP - VINACHEM.
Ông có thể cho biết tình hình SXKD của DAP - VINACHEM trong năm đầy khó khăn thách thức này?
Quả thật năm nay thực sự khó khăn cho các DN SX phân bón Việt Nam nói chung và Cty CP DAP - VINACHEM cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Thứ nhất, từ ngày 1/1/2015 Luật số 71/2014/QH13 về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phân bón có hiệu lực thi hành.
Theo đó, mặt hàng phân bón được chuyển từ danh mục chủng loại hàng chịu thuế GTGT 5% sang danh mục hàng không chịu thuế GTGT, từ khâu NK đến khâu SX, thương mại bán ra.
Như vậy, toàn bộ chi phí thuế đầu vào DN sẽ phải hạch toán vào chi phí SX trong kỳ. Ước tính năm 2015 tổng chi phí thuế mà chúng tôi phải chịu là 221,78 tỷ đồng, khiến cho giá thành sản phẩm tăng khoảng 7,7%.
Giá bán DAP của VINACHEM luôn phải phụ thuộc vào diễn biến giá trên thị trường, DN không thể tự tăng giá để bù đắp chi phí được. Trong khi đó, phân bón NK từ nước ngoài, do không phải chịu thuế GTGT nữa nên có điều kiện giảm được giá bán ra (tối đa 5%).
Đây là tác động “ngược chiều” của chính sách, khi giá NK về giảm đi thì giá thành SX trong nước lại phải tăng lên, khiến cho các DN Việt vốn đã khó cạnh tranh nay lại càng thêm khó do giá thành tăng cao.
Thứ hai, Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ. Chúng ta đều đã biết phân bón ngoại đa số được nhập từ Trung Quốc (cả chính ngạch và tiểu ngạch).
Khi Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng nhân dân tệ hàng của nước này sẽ rẻ đi tương đối so với hàng hóa của các nước khác. Nên khi cộng hưởng với tác động của Luật 71, đã dẫn đến một lượng phân bón rất lớn ồ ạt “chảy” vào Việt Nam như chúng ta đang thấy.
Trên thị trường phân bón ở Việt Nam đang có hiện tượng dư cung, tồn kho phân bón của các DN SX phân bón trong nước. Một số DN đang phải bán dưới giá thành để giải phóng tồn kho để có vốn quay vòng SX. Các kho chứa phân bón của các đại lý, các kho ngoại quan, các cảng đều đầy ắp phân bón NK.
Với công suất thiết kế 330.000 tấn/năm, sản phẩm DAP Đình Vũ được tiêu thụ chính ở những kênh và thị trường nào, thưa ông?
Hiện tại và định hướng trong thời gian tới, thị trường DAP Đình Vũ vẫn tập trung cho 3 khu vực chính, truyền thống. Đó là hệ thống đại lý trong nước (100.000 tấn/năm); Các DN SX phân bón NPK trong và ngoài Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (sản lượng tiêu thụ 100.000 tấn/năm) và cuối cùng là XK (120.000 - 150.000 tấn/năm), đây là kênh mà DN thu được nhiều lợi nhuận nhất. Các thị trường này có sản lượng tiêu thụ ổn định và sản lượng năm sau thường cao hơn năm trước.
Vừa qua có một vài thông tin liên quan tới vấn đề môi trường của DN, vậy ông có thể nói rõ hơn quy trình, công nghệ xử lí môi trường mà DAP - VINACHEM đang áp dụng?
Thực tế, từ khi xây dựng nhà máy cho đến nay, DN luôn chấp hành và thực hiện đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo các kết quả quan trắc thường xuyên (do DAP - VINACHEM tự kiểm tra) và kết quả quan trắc định kỳ do đơn vị có chức năng về quan trắc môi trường kiểm tra, kể cả những lần quan trắc đột xuất do các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường kiểm tra, các chỉ tiêu về môi trường vẫn đều đáp ứng đầy đủ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, chưa có thông số nào vi phạm.
Về quy trình kiểm soát môi trường, ngay từ giai đoạn lập và triển khai dự án xây dựng nhà máy, chủ đầu tư là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã lựa chọn mua công nghệ bản quyền tiên tiến, hiện đại nhất của Mỹ và châu Âu. Mọi khâu trong quá trình SX được kiểm soát hoàn toàn tự động. Nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn Quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT).
DAP - VINACHEM vẫn đang tích cực xúc tiến, triển khai các phương án chế biến chất thải thạch cao gyps thành thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng. Qua đó sẽ giải quyết triệt để chất thải rắn và góp phần hạn chế ngoại tệ để NK thạch cao phục vụ ngành xi măng.
Mới đây, Cty cổ phần DAP số 2 Lào Cai đã chính thức đi vào hoạt động, cùng với DAP Đình Vũ, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được 2/3 như cầu DAP trong nước hàng năm, vậy theo ông thị trường DAP trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Việc năm 2015 có thêm sản phẩm DAP 2 Lào Cai có mặt trên thị trường Việt Nam nâng sản lượng phân bón DAP mà Việt Nam tự SX lên 660.000 tấn, với chúng tôi đây là tín hiệu vui vì cùng với DAP 2, Cty góp phần giúp Nhà nước giảm lượng lớn DAP nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ và cung ứng cho nền nông nghiệp nước nhà những sản phẩm phân bón chất lượng cao, phù hợp với đồng đất và cây trồng Việt Nam.
Tuy nhiên, sự ra đời của DAP 2 cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức không nhỏ. Thách thức chủ yếu sẽ đến từ thị trường nội địa, sẽ khó khăn hơn bởi ngoài miền Bắc bà con nông dân chưa quen và sử dụng DAP.
Các DN sản xuất NPK trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng sẽ san sẻ sản lượng với DAP 2 Lào Cai. Do vậy, sản lượng DAP Đình Vũ tiêu thụ trong Tập đoàn và các DN sản xuất NPK trong nước sẽ giảm. Bù đắp sản lượng hụt này, chúng tôi sẽ tăng cường tập trung cho các đại lý và làm tốt hơn nữa công tác thị trường cũng như XK.
Xin cảm ơn ông!