"/>
Ngành sản xuất săm lốp được đánh giá còn nhiều tiềm năng do VN là một trong những nước lớn sản xuất cao su. Trong đó, DRC (Cty cao su Đà Nẵng) là một trong những DN đầu ngành sản xuất săm lốp có lợi thế nổi trội với cơ cấu sản phẩm chủ yếu là săm lốp ôtô và thị phần trong nước rất lớn.
Nhiều lời đồn đại DRC được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có ý định thâu tóm… Vậy thực hư thế nào?
Khả năng sinh lời cao
Năm 2012, trong trường hợp giá cao su không biến động lớn, DRC có nhiều khả năng sẽ tiết kiệm 138 tỉ đồng chi phí đầu vào (nguyên vật liệu 110 tỉ đồng và 28 tỉ đồng còn lại là chi phí điện, nhiên liệu…), từ đó tạo điều kiện cho Cty có thể vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 230 tỉ đồng và đạt khoảng 250 - 280 tỉ đồng trong năm 2012. Nếu đạt được mức lợi nhuận trên, DRC có mức EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) đạt khoảng 2.700-3.000 đồng/cổ phiếu (sau khi tăng vốn lên 691 tỉ đồng, có thể nói đây là mức EPS tương đối cao trong giai đoạn Cty đang đầu tư).
Năm 2011 DRC đạt 2.637 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 22% và 1% so với năm 2010, EPS duy trì khá cao ở mức 4.830 đồng/cổ phiếu. Tăng trưởng doanh thu đạt 22% nhưng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1% là do giá nguyên liệu tăng cao (giá cao su đầu vào năm 2011 tăng 35% so với năm 2010), chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỉ giá tăng khiến khả năng sinh lời giảm sút.
Tuy nhiên, khả năng sinh lời của DRC vẫn cao hơn nhiều so với các Cty trong ngành săm lốp như Cty CP Cao su miền Nam (CSM), SRC (Cty cao su Sao Vàng). Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận gộp của DRC(16%) CSM(9%), SRC ( 9%) trong năm 2011.
Áp lực từ vốn vay
Hiện DRC đang di dời xí nghiệp săm lốp ôtô từ Bắc Mỹ An vào KCN Liên Chiểu, dự kiến chi phí đầu tư là 673 tỉ đồng, trong đó đầu tư mới 580 tỉ đồng. Vốn đầu tư có 40% là vốn tự có và hỗ trợ, còn lại là vay Vietinbank. Thời gian di chuyển từ quý 1/2012 đến cuối năm 2013 nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự án sản xuất lốp xe tải radial công suất 600.000 lốp/năm với tổng đầu tư 2.993 tỉ (trong đó vốn tự có 30%, vay ngân hàng 70%) với 2 giai đoạn từ 2010 - 2015.
Giai đoạn 1 của dự án được triển khai từ năm 2010. Năm 2011 DRC đã giải ngân 211 tỉ đồng, nâng tổng giải ngân cho dự án lên 263 tỉ đồng. Năm 2012, DRC dự kiến sẽ đẩy mạnh giải ngân với 1.245 tỉ đồng để chạy thử và ra sản phẩm trong năm 2013...
Theo dự kiến DRC sẽ tăng tiếp vốn điều lệ từ 461 lên 691 tỉ để hỗ trợ và đối ứng vay ngân hàng khi triển khai các dự án. DRC hiện đang trong giai đoạn đầu tư nên nhu cầu về vốn rất lớn.
Những thách thức về nguyên liệu
Có thể nói, cao su thiên nhiên là đầu vào tối quan trọng đối với ngành sản xuất săm lốp. Năng suất cao su của VN hiện xếp thứ 2 thế giới, thứ 5 về sản lượng và thứ 4 về lượng cao su xuất khẩu, do vậy DRC và các DN VN có lợi thế lớn trong việc sản xuất các mặt hàng này. Tuy vậy, cao su thiên nhiên chỉ là 1 trong những yếu tố đầu vào của ngành. Còn các nguyên liệu khác như than đen, cao su tổng hợp, máy móc và dây chuyền sản xuất...
Không riêng gì DRC các DN trong ngành vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Có một nghịch lý trong ngành cao su VN đó là, dù là nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới nhưng hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu cao su từ 100.000 đến 130.000 tấn nhằm phục vụ cho ngành sản xuất săm lốp trong nước.
Do vậy, giá cao su và sự ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các DN sản xuất săm lốp. Mặc dù, là nước trong top 5 về sản lượng xuất khẩu nhưng so với 2 nước đứng đầu là Thái Lan và Indonesia thì sản lượng của VN có khoảng cách quá xa nên ngành cao su VN không chủ động về giá mà phải phụ thuộc vào biến động giá thế giới.
Trong ngắn hạn, nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến DRC nói riêng và ngành sản xuất săm lốp nói chung. Ngành ôtô đang ế ẩm, mặc dù đã sử dụng nhiều chiêu thức khuyến mại nhưng thời điểm hiện tại vẫn chưa kích cầu được người tiêu dùng, thị trường xe máy trong nước đóng băng. Nền kinh tế trì trệ đi kèm với lạm phát thấp nên người tiêu dùng hiện tại sẽ giành ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu thay vì mua các mặt hàng như xe máy, ô tô. Do đó trong ngắn hạn, DRC sẽ gặp không ít khó khăn thách thức về thị trường trong năm 2012…
Kể từ đầu năm 2012 đến nay, tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại DRC tăng thêm 4% lên 22,18%.