Nam, tính đến hết tháng 6 mặt hàng có tăng trưởng tốt, lợi nhuận và xuất khẩu cao đó là săm lốp cao su. Giá cao su nguyên liệu giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay đang đem lại thuận lợi lớn."/>Nam, tính đến hết tháng 6 mặt hàng có tăng trưởng tốt, lợi nhuận và xuất khẩu cao đó là săm lốp cao su. Giá cao su nguyên liệu giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay đang đem lại thuận lợi lớn."/>

Giá nguyên liệu cao su giảm: Doanh nghiệp sản xuất "thắng" lớn

02:32 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Tám, 2013

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tính đến hết tháng 6 mặt hàng có tăng trưởng tốt, lợi nhuận và xuất khẩu cao đó là săm lốp cao su. Giá cao su nguyên liệu giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay đang đem lại thuận lợi lớn.

- Lợi nhuận và xuất khẩu đều tăng

Quý II/2013, giá cao su nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm 11% so với quý I và thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm 2012 đã giúp lợi nhuận của các DN sản xuất săm lốp trong nước đạt kết quả khả quan. Tính đến hết quý II, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam lãi 43,2 tỷ đồng. Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina) đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 29,5 tỷ đồng (tương đương 42%) so với cùng kỳ năm 2012. Đại diện Casumina cho biết, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ sản phẩm trong quý II/2013 tăng giúp doanh thu của công ty tăng. Thêm vào đó, giá vốn hàng bán giảm 24,4 tỷ đồng nhờ giá cao su giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt lợi nhuận 168,58 tỷ đồng.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng hưởng lợi từ giá cao su giảm, đạt 109,6 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2012. Trong quý II/2013, công ty đạt doanh thu 791 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DRC lãi ròng 187,7 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Tương tự, những tháng đầu năm 2013, Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC) đạt mức lợi nhuận sau thuế 36,6 tỷ đồng, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ tăng lợi nhuận, mặt hàng cao su còn đạt giá trị xuất khẩu cao. Tính đến hết quý II năm nay, giá trị xuất khẩu cao su đạt 15 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Cạnh tranh bằng công nghệ

Không chỉ ghi nhận chỉ tiêu xuất khẩu và lợi nhuận tăng, mặt hàng cao su trong nước còn ghi nhận dấu mốc mới về đầu tư công nghệ: Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial công suất 600.000 bộ/năm. Cùng với đó, dự án lốp xe tải Radial công suất 1 triệu bộ/năm của Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam cũng sẽ khánh thành vào tháng 10 tới. Xu hướng đầu tư cho công nghệ sản xuất lốp xe Radial đang được các DN sản xuất cao su trong nước đặt lên hàng ưu tiên.

Trước đây, lốp ôtô trong nước đang sản xuất là loại mành chéo (bias), để chuyển sang sản xuất lốp Radial yêu cầu phải đầu tư lớn. Tuy nhiên, lốp Radial có tính năng ưu việt như chịu mài mòn tốt, lý trình chạy cao, ma sát tốt. Nhờ những đặc tính này, lốp Radial được sử dụng rộng rãi tại các nước công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam, theo khảo sát chưa đầy đủ, trên thị trường nội địa 90% lốp xe con, xe tải nhẹ và 100% lốp xe tải nặng, xe bus đều sử dụng lốp Radial nhập ngoại.

Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và cũng mở ra hướng đầu tư cho lốp Radial toàn thép, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đang đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương xếp mặt hàng lốp Radial toàn thép vào nhóm sản phẩm có sử dụng công nghệ cao. Nếu được công nhận, các DN sản xuất lốp Radial toàn thép trong nước sẽ có nhiều ưu đãi để đầu tư cho sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Ông Lê Văn Trí - Phó tổng giám đốc Casumina:

Thị trường săm, lốp đang bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa DN trong nước và nước ngoài. Hiện tại, hầu hết thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đều có mặt ở Việt Nam như Bridgestone (có nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014 ở Hải Phòng), Michelin, Yokohama, Cheng Shin...

Nguồn: