Với việc Giai đoạn 3 - Nhà máy lốp Radial sẽ hoạt động tối đa công suất từ quý 2/2024, sản lượng lốp Radial của Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) sẽ tăng thêm tới 67%.
Dự kiến có thêm nhiều khách hàng mới, biên lợi nhuận cải thiện tích cực
Theo chia sẻ mới đây của ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE), sau quá trình giảm giá bán mạnh trong năm 2023 để kích cầu, công ty dự kiến sẽ tăng giá bán các sản phẩm lốp Radial, săm và lốp xe từ 5 - 8% trong năm nay trong trường hợp nhu cầu tăng tốt như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, việc tăng giá bán cũng sẽ nhằm bảo vệ biên lợi nhuận của công ty trong kịch bản nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Dự kiến giá bán bình quân sẽ tăng từ quý 2/2024 khi đơn hàng tại các thị trường ổn định và công suất nhà máy được cải thiện.
Đồng thời, ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng dự kiến, sẽ có thêm nhiều khách hàng mới trong năm nay, nhất là tại thị trường Mỹ.
Hiện Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu cả năm nay ở mức khoảng 5.400 tỷ đồng, tăng 20% so với mức thực hiện của năm 2023. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, Cao su Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu trên.
Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần khi giá nguyên vật liệu đầu vào chính đã giảm đáng kể. Trong quý 4/2023, giá cao su tổng hợp, hoá chất và than đen đã lần lượt giảm 16%, 20%, và 30% so với cùng kỳ năm 2022; qua đó, bù đắp lại việc giá cao su tự nhiên tăng 6%.
Dựa trên triển vọng giá dầu thô của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá than đen và hoá chất đầu vào của Cao su Đà Nẵng có thể tiếp tục giảm nhẹ thêm 5 - 8%, bù đắp lại cho việc giá cao su tự nhiên có thể tăng từ 7 - 10% trong năm nay.
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá cược vận tải biển quốc tế biến động mạnh do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, hoạt động xuất khẩu của Cao su Đà Nẵng sẽ không chịu ảnh hưởng đáng kể do phần lớn các đơn hàng xuất khẩu của công ty theo hình thức FOB. Ngoài ra, giá cước vận tải biển hiện vẫn thấp hơn tới 40% so với mức đỉnh hồi năm 2022. Do đó, hoạt động xuất khẩu lốp của Cao su Đà Nẵng sang các thị trường xa như Mỹ, Brazil và Ai Cập dự kiến sẽ vẫn diễn ra thuận lợi.
Mảng lốp Radial sẽ dẫn dắt tăng trưởng thời gian tới
Triển vọng tăng trưởng kinh doanh của Cao su Đà Nẵng còn đến từ việc Giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial hoạt động tối đa công suất từ quý 2/2024, giúp nâng tổng công suất lốp Radial thêm 67%, đạt 1 triệu lốp/năm.
Với xu hướng dịch chuyển từ lốp Bias sang lốp Radial trong nước cùng nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu duy trì mức tốt, nhiều tổ chức tài chính đánh giá Cao su Đà Nẵng sẽ không gặp trở ngại trong việc tiêu thụ phần công suất lốp Radial tăng thêm mạnh tới đây. Đồng thời, thương hiệu lốp Radial của công ty đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế khi chinh phục thành công các thị trường khó tính như Mỹ.
Mảng lốp Radial hiện đóng góp hơn 70% lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2024 - 2026.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cao su Đà Nẵng, chi phí vốn (CAPEX) cho Giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial chỉ ở mức 500 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch 900 tỷ đồng dự kiến trước đây và tiết kiệm khoảng 1.600 tỷ đồng so với Giai đoạn 1&2.
Điều này có thể giúp biên lợi nhuận gộp mảng lốp Radial của Cao su Đà Nẵng tăng thêm 2-3% so với mức trung bình 16% khi hai giai đoạn đầu hoạt động hết công suất. Chia sẻ thêm về định hướng phát triển mảng lốp Radial, Cao su Đà Nẵng cho biết công ty đang hướng đến dòng lốp Radial chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn Smartway và DOT, cũng như đạt các chứng nhận của thị trường châu Âu, Nhật Bản…
Hiện thị phần của Cao su Đà Nẵng tại Mỹ có tiềm năng tăng đáng kể trong thời gian tới nếu Mỹ áp thuế chống bán phá với sản phẩm lốp TBR của Thái Lan. Quyết định cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra vào cuối tháng 6/2024.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu TBR lớn thứ 4 sang Mỹ với thị phần 12% trong năm 2022. Hiện tại, lốp TBR của Việt Nam không phải chịu bất kỳ mức thuế nào khi bán sang Mỹ. Nếu phán quyết của DOC mang tín hiệu tích cực, Việt Nam có thể là quốc gia trực tiếp được hưởng lợi từ quyết định này. Trong đó, Cao su Đà Nẵng đang là đơn vị xuất khẩu lốp TBR Việt Nam lớn nhất vào thị trường Mỹ.
Theo Vietcombank Securities, trong trường hợp tích cực, kết quả sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng ngay từ quý 3/2024.