Phân bón Đầu Trâu - Đồng hành cùng “cánh đồng mẫu lớn”

10:25 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Chín, 2011

CHỦ ĐỘNG ĐỒNG HÀNH

Liên kết 4 nhà là một chủ trương đúng, đang ngày một đi sâu và rộng hơn vào đời sống nông dân, đã tạo ra phong trào làm ăn liên kết tạo nên xu hướng phát triển của kinh tế nông nghiệp ở giai đoạn mới. Bắt đầu từ những mô hình tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đến các mô hình sản xuất theo hướng GAP, VietGAP, “Cánh đồng mẫu lớn” gắn liền với ghi chép sổ tay do Cục Trồng trọt phát động trên khắp ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Nhận thức được vấn đề thuộc tầm chiến lược và sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà cũng là sự phát triển của chính mình nên ngay từ năm 2008, Cty CP Phân bón Bình Điền đã họp Hội đồng cố vấn khoa học kỹ thuật để chọn phương án và các giải pháp kỹ thuật (phân bón và quản lí dinh dưỡng, đặc biệt là trung vi lượng phù hợp cho vùng đất, giống) cho các mô hình tiên tiến.

Ngay trong năm 2008 thì Cty bắt đầu tham gia các mô hình sản xuất lúa theo liên kết 4 nhà tại Tây Ninh và mô hình sản xuất lúa theo dự án là xây dựng vùng nguyên liệu lúa Jasmine và sản xuất theo hướng GAP tại ấp Bình Chơn, xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (mô hình này Cty tham gia hỗ trợ phân bón cho nông dân 20% giá trị phân bón từ năm 2008 đến khi mô hình đạt giấy chứng nhận GlobalGAP năm 2010).

Với sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật, đưa phân bón tiết kiệm đạm vào quy trình; hỗ trợ giá bán không tính lãi nên các mô hình có sự tham gia của Bình Điền được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, từ các mô hình chỉ vài chục hecta nay đã có có gần 2.000 ha ở 8 tỉnh từ Tây Ninh đến ĐBSCL được Cty hỗ trợ và cung cấp phân bón. Các nhà khoa học trong hội đồng cố vấn đã đưa ra quy trình quản lí dinh dưỡng và các giải pháp khoa học kèm theo cho mô hình hợp lí ở từng địa phương.

Vì vậy, khi quyết định tham gia mô hình trên địa phương nào, thì các nhà khoa học khảo sát, tập huấn và trao đổi thường xuyên với nông dân để đưa ra quy trình sử dụng phân bón hợp lí nhất ở từng mùa vụ, đặc biệt là thành phần trung vi lượng thế nào cho hợp lí, không để xảy ra tình trạng dư thừa dinh dưỡng, độc chất trong sản phẩm gạo làm ra.

TỪ CHIỀU RỘNG ĐẾN CHIỀU SÂU

Nhờ chuẩn bị kỹ, và tập huấn tốt cho nông dân trong các mô hình nên những mô hình mà Cty tham gia đều sử dụng phân bón hợp lí hơn và nông dân ít sử dụng thuốc BVTV (chi phí giảm từ 350.000 đến 950.000đồng/ha), hiệu quả kinh tế của các mô hình luôn cao hơn.

Đặc biệt là vấn đề thừa đạm ít xảy ra, do được cân đối dinh dưỡng qua 3 loại phân tiên tiến, Đạm vàng 46A+, Đầu Trâu Agrotain lúa 1 và Đầu Trâu TE+Agrotain lúa 2, nhờ đó lượng đạm sử dụng luôn ít hơn, lúa phát triển tốt, cứng cây, áp lực sâu bệnh hại giảm hẳn, nên lợi nhuận của nông dân cao hơn từ 2.160.000 đồng đến trên 5.000.000 đồng/ha.

Ngoài ra công ty đã chủ động dành một khoản chi phí hỗ trợ cho chương trình này. Từ việc in ấn tài liệu, sổ tay để nông dân ghi chép, hỗ trợ kiến thức quản lí dinh dưỡng qua các đợt tập huấn cho nông dân trong mô hình và cung ứng phân bón thế hệ mới, phân bón tiết kiệm đạm cho nông dân với giá cả hợp lí. Chính việc đó đã giúp nông dân trong mô hình giảm được chi phí đáng kể từ nguồn phân bón.

Chỉ tính trong vụ hè thu 2011, Cty đã hỗ trợ cho các mô hình cánh đồng mẫu lớn lượng phân bón gần 1.000 tấn phân bón các loại, so với giá thành mà Cty hiện bán cho các khách hàng cấp I thì công ty hỗ trợ cho nông dân trong mô hình trên 1 tỷ đồng.

Không chỉ là hỗ trợ phân bón với giá gốc, nợ 4 tháng không tính lãi, thường xuyên tập huấn cho nông dân kỹ thuật và hướng dẫn ghi chép sổ tay mà công ty còn nâng đỡ chương trình phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững. Ngay trong năm đầu tiên triển khai chương trình, năm 2010, 30 nông dân đã được Bình Điền đài thọ tham quan, học tập một số mô hình của Thái Lan, được tận mắt thấy các sản phẩm nông nghiệp vào thẳng siêu thị mang lại giá trị cao, được trao đổi cùng nông dân Thái về hình thức hợp tác của họ, việc triển khai ThaiGAP…

Từ đấy nông dân mở rộng tầm nhìn hơn và thấy việc ghi chép sổ tay là cần thiết và mong muốn mình được ghi chép. Từ những hạt nhân đấy, cùng với sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp, việc ghi chép sổ tay đang dần trở thành thói quen, vì thế lượng phát hành sổ tay của Cục Trồng trọt đã tăng lên 80.000 bản và sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Năm 2011, Cty tiếp tục phối hợp với Cục Trồng trọt và các Sở NN- PTNT các tỉnh, tuyển chọn những nông dân tiên tiến để tham quan và giao lưu với Viện Lúa quốc tế (IRRI). Chương trình đang trong giai đoạn tuyển chọn 60 nông dân để tiếp tục thực hiện trong tháng 10 năm nay.

Từ thành quả bước đầu, hiện có nhiều địa phương mong muốn công ty thực hiện việc cung ứng phân bón và giải pháp khoa học trong việc canh tác, chương trình này đã phát triển sang các địa phương khác như Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định.

Sắp tới Cty sẽ phát triển ra một số tỉnh trọng điểm của Bắc Trung bộ như Nam Định và Thanh Hóa nhằm mong muốn cùng ngành nông nghiệp đưa các giải pháp sản xuất tiến tiến nhất cho bà con nông dân, xứng đáng với phương châm là Phân bón Đầu Trâu - Bạn đồng hành của nhà nông.

Nguồn: