Tái cơ cấu DNNN: Nhìn từ tập đoàn hóa chất Việt Nam

08:42 SA @ Thứ Hai - 20 Tháng Tám, 2012

Để tạo chuyển biến tích cực trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015. Đây là quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tạo bước chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu DNNN.

Hiệu quả sau cổ phần hóa

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất phân bón lớn khu vực phía Bắc, Công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao luôn là cánh chim đầu đàn của tập đoàn hóa chất Việt Nam. Trước tình hình suy thoái kinh tế từ 2007 đến nay, giá vật tư, nguyên liệu trong những năm qua biến động thất thường, gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão, úng lụt thường xuyên trên cả 3 miền liên tục nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến vận chuyển và tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Bên cạnh đó, thị trường phân bón trong những năm gần đây ngày càng co hẹp, do người nông dân thay đổi cơ cấu canh tác, từ chuyên canh trồng trọt sang mô hình trang trại và có xu hướng chuyển đổi tập quán canh tác và sử dụng phân bón hỗn hợp có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa (CPH), năm 2010 Công ty supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao bước vào CPH nhằm tạo động lực mới nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Nếu như năm 2009, thời điểm trước khi CPH, lợi nhuận của Công ty là 97 tỷ, thì sau khi cổ phần lợi nhuận đã tăng lên 380 tỷ, tăng gấp 4 lần. Chỉ tính riêng năm 2011 lợi nhuận thu về của công ty đạt gần 400 tỷ và 6 tháng đầu năm 2012 đạt 346 tỷ đồng, gần bằng cả năm 2011. Đời sống người lao động không ngừng tăng lên với mức thu nhập bình quân là 7,6 triệu/người/tháng”.

Lý giải việc này, ông Khuyến cho rằng, thực tế cho thấy sau khi CPH, ý thức của người lao động gắn bó với quyền lợi của công ty nhiều hơn, họ năng động hơn và làm việc tốt hơn. Từ đó công ty có cơ hội giảm các chi phí trong sản xuất. Bộ máy công ty sau khi CPH được sắp xếp lại tinh gọn, năng động.

Công ty bám sát thị trường, chính vì vậy việc mua nguyên liệu đầu vào cũng như chính sách bán hàng được tốt hơn, từ đó hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng cao lên gấp nhiều lần. Khi bắt đầu CPH, vốn sản xuất của công ty là 432 tỷ, sau hai năm đã tăng lên 648 tỷ, trong đó vốn nhà nước chiếm 69,8%, người lao động giữ 12% và còn lại là các cổ đông ngoài công ty.

“Sau khi CPH, vấn đề phúc lợi xã hội vẫn bảo đảm, đời sống vật chất tinh thần của cán bộ công nhân viên công ty được nâng lên. Các công trình phúc lợi xã hội phục vụ cho đời sống người lao động như trường học, bệnh viện, nhà ở tập thể cho người lao động, khu vực vui chơi giải trí được nâng cấp và thậm chí cả nghĩa trang của địa phương. Chính sách đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kiến thức cho công nhân được chú trọng, đáp ứng quyền lợi người lao động, hàng năm họ còn được đi thăm quan, du lịch trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Duy Khuyến khẳng định.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Đề án tái cơ cấu DNNN khẳng định, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn hóa chất Việt Nam là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất cho biết: “Mục tiêu của tập đoàn hóa chất Việt Nam là xây dựng và phát triển là tập đoàn kinh tế mạnh, đi đầu trong sản xuất hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của tập đoàn đạt mức 14,5%/năm, nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động và sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của tập đoàn tương xứng nguồn lực, nhiệm vụ được giao. Làm tốt vai trò là công cụ góp phần điều tiết vĩ mô, định hướng sự phát triển tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển”.

Trong năm 2012-2013, tập đoàn hóa chất Việt Nam sẽ thoái vốn toàn bộ vốn nhà nước tại 5 công ty, gồm: Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn, Inuoe Việt Nam, Công ty phân bón Việt Nhật, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam. Thoái vốn tại công ty tài chính cổ phần hóa chất về mức tập đoàn nắm giữ dưới 30% vốn điều lệ của công ty. Sắp xếp lại một số công ty để tránh cạnh tranh nội bộ, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong năm 2013-2015, tập đoàn hóa chất Việt Nam sẽ bán bớt vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần do tập đoàn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần chất dẻo, Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Phương Đông, Công ty cổ phần công nghiệp và hóa chất vi sinh, Công ty cổ phần xà phòng Hà Nội.

Không phải các TĐ, TCT nào cũng làm tốt trong việc thoái vốn và tiếp tục cổ phần hóa như tập đoàn hóa chất Việt Nam. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc thực hiện vấn đề này dường như đang gặp thách thức, khi có TĐ, TCT nhà nước tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính. Theo chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm, quá trình thoái vốn sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở lĩnh vực ngân hàng, nhưng đây là chuyện phải làm để lành mạnh hóa cho cả doanh nghiệp ngân hàng. Ngoài vấn đề thoái vốn, cần tiếp tục cổ phần hóa các DNNN.

Đây được xác định là nhiệm vụ khó khăn và quyết định sự thành công của tái cơ cấu. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn hóa chất Việt Nam khẳng định: Trong giai đoạn 2012-2015 tập đoàn tiếp tục cổ phần hóa 5 doanh nghiệp trực thuộc thuộc tập đoàn, gồm Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty TNHH một thành viên vật tư và xuất nhập khẩu hóa chất, Công ty TNHH một thành viên DAP-VINACHEM, Công ty TNHH một thành viên hơi kỹ nghệ que hàn, Tổng công ty phân đạm và hóa chất – VINACHEM.

Hiện nay, quá trình cổ phần hóa ở các TĐ, TCT còn chậm, trong đó nguyên nhân chính là do sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán làm thị trường này rơi vào tình trạng ảm đạm những năm sau đó. Hơn nữa, những DNNN còn lại trong danh sách cổ phần hóa đa phần có quy mô vừa và lớn, thậm chí rất lớn, nên chương trình cổ phần hóa trở nên ngày càng phức tạp, nhất là việc định giá tài sản doanh nghiệp và giải quyết xung đột về lợi ích giữa các đối tượng có liên quan.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình tái cấu trúc DNNN, đặc biệt là cổ phần hóa, có thể dẫn tới việc một phần tài sản của DNNN được chuyển sang tay các cổ đông tư nhân với mức giá thấp hơn giá thị trường (do khâu định giá doanh nghiệp chưa chuẩn xác) và gây thất thoát tài sản của doanh nghiệp cũng như ngân sách nhà nước.

Nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về việc giám sát thực hiện quá trình tái cơ cấu cần chặt chẽ, nếu không thì rất có thể quá trình tái cơ cấu chỉ nặng về hình thức. Thực tế, hệ thống kiểm soát hiệu quả kinh doanh không đủ mạnh đã dẫn tới những khoản vay và đầu tư quá mức của các TĐ. Cũng từ hệ thống kiểm soát không đủ mạnh đã làm thất thoát vốn, lãng phí tài sản rất lớn. Chính vì vậy, việc cần làm hiện nay là phải xây dựng hệ thống kiểm soát doanh nghiệp chặt chẽ thông qua hệ thống kiểm toán nhà nước.

Nguồn: