Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội thảo Công tác tái chế, xử lý sản phẩm và công tác quản lý, giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; ông Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc; Các đồng chí đại diện Đảng ủy, HĐTV, Kiểm soát viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Đại diện Hiệp hội CNMT Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội hóa học Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol cùng gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn, các đồng chí Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ môi trường tại các đơn vị thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nêu rõ, hai nội dung của hội thảo là những vấn đề vô cùng cấp thiết với các đơn vị thuộc Vinachem trong giai đoạn tới bởi đây đều là những vấn đề đã được Chính phủ cam kết và từng bước hiện thực hoá bằng các chiến lược, kế hoạch triển khai.
Từ thực tế của Tập đoàn, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp từng bước triển khai các nội dung này như lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, thay thế lò hơi than bằng lò hơi điện sinh khối… Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn ở quy mô chưa lớn. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hình dung được vấn đề là sẽ phải trả tiền cho lượng phát thải thải ra môi trường, khiến giá thành sản xuất tăng lên.
“Xu thế là không thể đảo ngược được bởi Chính phủ đã đưa ra cam kết hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, cho nên Tập đoàn tổ chức hội thảo để các doanh nghiệp trong Tập đoàn nhận thức được tính cấp thiết của việc sẽ phải ứng xử ra sao với phát thải và trách nhiệm trong việc thải bỏ các sản phẩm sản xuất ra, tính toán trước để có giải pháp thay thế. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia tại hội thảo sẽ chia sẻ để doanh nghiệp nhận thức đúng vấn đề, có giải pháp kịp thời theo đúng chỉ đạo chung của tập đoàn, từng bước thích ứng được để sản xuất kinh doanh có lãi” – ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia đến từ Hiệp hội CNMT Việt Nam; Văn phòng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh - Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương; Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol trình bày các nội dung: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu – EPR theo luật bảo vệ môi trường 2020; Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành công thương; Kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon.
Cũng tại Hội thảo, đánh giá tình hình thực hiện công tác tái chế, xử lý sản phẩm và công tác quản lý, giảm phát thải khí nhà kính tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã có những chỉ đạo định hướng và hoạt động thiết thực trong công tác kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.
Cụ thể, về kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính, Vinachem ban hành các văn bản số 302/HCVN-KT ngày 15/3/2023 về việc báo cáo số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương cho các năm 2020 và 2022 để chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai thực hiện theo quy đinh; văn bản số 1414/HCVN- 71 KT ngày 29/9/2023 về việc xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 đến 2025 nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải KNK theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhằm giảm phát thải KNK (CO2) thông qua chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, Vinachem ban hành văn bản số 200/HCVN-KT ngày 23/2/2024 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ…
“Kết quả cho thấy, trong công tác kiểm kê KNK, các doanh nghiệp đã triển khai thực hiện cung cấp số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương theo quy định. Trong công tác giảm nhẹ phát thải KNK, các doanh nghiệp đã triển khai tuyên truyền các nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật vào năm 2023 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tích cực trồng cây xanh tại các nhà máy sản xuất lớn hơn 15% diện tích mặt bằng nhà máy” – ông Phùng Ngọc Bộ thông tin.
Các đơn vị thành viên có phát sinh lượng KNK lớn như Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2 (dạng rắn, lỏng) phục vụ cho các ngành công nghiệp khác; triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, điển hình như tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Cao su Miền Nam. Một số doanh nghiệp đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp như trấu, củi trấu, củi mùn cưa để làm nhiên liệu vận hành nồi hơi phục vụ sản xuất trong công nghiệp và có các giải pháp tiết kiệm điện, như nâng cao hiệu suất động cơ điện, chuyển dần chiếu sáng bằng LED tiết kiệm điện, giảm ô nhiễm môi trường.
Về tình hình thực hiện trách nhiệm ở rộng của nhà sản xuất (EPR), Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam đã thuê các đơn vị có chức năng xử lý chất thải theo quy đinh. Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam đã thực hiện thu gom sản phẩm thải bỏ từ khách hàng tiêu dùng để tái chế tái sử dụng. Đặc biệt, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng trong việc thu gom để tái chế tái sử dụng.
Các đại biểu cũng được nghe một số tham luận của các đơn vị và đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về những khó khăn, vướng mặc trong quá trình thực hiện tại đơn vị và đưa ra các câu hỏi và đã được các chuyên gia trả lời.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Hoàng - Phó Tổng giám đốc một lần nữa khẳng định, hai nội dung đề ra trong hội thảo liên quan mật thiết đến doanh nghiệp nên được Lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm, chính vì vậy thành phần triệu tập lần này là các Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, các cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị thành viên. Đồng thời đề nghị Ban Kỹ thuật tiếp tục tổng hợp các ý kiến, trao đổi thêm với các chuyên gia để giải đáp cho doanh nghiệp.